Wednesday, 25 October 2017

Sống-Yêu-Chết

Cái gì là điều bí ẩn vĩ đại nhất của sự tồn tại? Nó không phải là cuộc sống đâu, nó không phải là tình yêu đâu - nó là cái chết.
Khoa học cố gắng hiểu cuộc sống; do đó nó vẫn còn là bộ phận. Cuộc sống chỉ là một phần của bí ẩn toàn bộ, và là một phần rất tí hon - hời hợt, chỉ trên chu vi. Nó không có chiều sâu, nó nông cạn. Do đó khoa học vẫn còn nông cạn. Nó biết nhiều và nó biết rất chi tiết, nhưng tất cả mọi việc biết của nó vẫn còn hời hợt - dường như bạn biết đại dương chỉ qua các con sóng của nó và bạn chưa bao giờ chìm sâu vào trong nó, và bạn không biết cái vô hạn của nó.

Cuộc sống là hữu hạn, nhất thời. Khoảnh khắc này nó có đó, khoảng khắc tiếp nó mất rồi. Nó là làn gió thoảng, tới rồi đi... nó không tồn tại lâu. Do đó tuyên bố của khoa học rằng nó biết chân lí là không đúng. Nó chỉ biết chân lí bộ phận, và tuyên bố cái bộ phận như cái toàn thể là một trong những điều ngớ ngẩn của cách tiếp cận khoa học. Điều nó biết là đúng, nhưng điều đó không phải là chân lí toàn thể. Và khoảnh khắc bạn tuyên bố rằng cái bộ phận là cái toàn thể, bạn thậm chí còn làm sai cái bộ phận đi.

Yêu là ở chặng giữa. Nó ở đích xác giữa sống và chết. Nó là nửa sống, nửa chết; do đó mới có nỗi sợ của yêu. Chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng chết, bạn không thể biết yêu được - mặc dầu bằng việc chết bạn trở nên sống động hơn. Chính là qua cái chết mà tình yêu phục sinh bản thân nó lặp đi lặp lại. Chính là bằng việc biến mất mà nó xuất hiện đi xuất hiện lại.

Tình yêu còn bí ẩn nhiều hơn là bản thân cuộc sống, bởi vì nó có cuộc sống trong nó và có cái gì đó còn hơn nữa: sống cộng với chết. Năm mươi phần trăm của tình yêu là cuộc sống, năm mươi phần trăm là cái chết. Và chỉ những người sẵn sàng chết mới biết cuộc sống của tình yêu. Những người sợ chết sẽ không bao giờ đi vào được bí ẩn của tình yêu.

Nghệ thuật làm bùng nổ thế giới của tình yêu. Do đó nghệ thuật còn đúng hơn là khoa học, đi sâu hơn khoa học. Tầm nhìn của nghệ sĩ hàm chứa nhiều hơn tri thức khoa học có thể hàm chứa, mặc dầu cách thức của nghệ thuật là hoàn toàn khác với cách thức của khoa học. Nó phải khác chứ. Khoa học có thể mang tính khách quan bởi vì nó là ngoại vi. Nghệ thuật không thể tuyệt đối khách quan được; nó năm mươi phần trăm khách quan, năm mươi phần trăm chủ quan. Nó không thể tự do với người quan sát được.

Khoa học cố gắng tuyệt đối tự do với người quan sát; người quan sát phải không đi vào trong nó, phải không tham gia, phải vẫn còn tuyệt đối trung lập, không là người tham gia, mà là khán giả. Người đó phải không được đem bản thân mình vào trong nó. Đó là cái nhìn khoa học.

Nhưng làm sao bạn có thể tránh được người biết? Nếu bạn thực sự muốn biết, người biết nhất định đi vào trong tri thức.

Bây giờ nhiều nhà khoa học nhậy cảm đang trở nên tỉnh táo với hiện tượng là không thể nào tuyệt đối vô tư được: người quan sát nhất định bị phản xạ bởi việc quan sát của mình. Người đó không thể là khán giả thuần khiết được. Người đó sẽ diễn giải, người đó sẽ lí thuyết hoá, người đó sẽ tạo ra các giả thuyết và người đó sẽ đi qua các giả thuyết của mình. Người đó sẽ chọn lựa bởi vì các chi tiết là vô hạn. Người đó sẽ phải hội tụ.

Ai sẽ quyết định hội tụ vào đâu, chọn cái gì, không chọn cái gì, đi theo hướng nào? Bởi vì sự tồn tại là đa chiều và bạn không thể đi theo tất cả các chiều đồng thời được, bạn chỉ có thể đi theo một chiều thôi, tất yếu là điều bạn biết sẽ bị ảnh hưởng bởi người biết. Nhưng điều này đã từng là hiểu biết của nghệ thuật từ chính lúc bắt đầu.

Khi nhà khoa học nhìn vào hoa ông ấy cố gắng chỉ là người quan sát. Ông ấy đơn giản ghi chép về điều ông ấy thấy; ông ấy không đem mơ của mình vào, không đem tầm nhìn của mình vào việc quan sát. Nhà thơ có nhiều tự do hơn, hoạ sĩ có nhiều tự do hơn. Ông ấy đi sâu hơn vào trong hiện tượng hoa này. Ông ấy tham gia vào bí ẩn của nó, ông ấy không tách rời; trong vài khoảnh khắc ông ấy trở thành một với nó. Có những khoảnh khắc mà nhà thơ nhảy múa cùng hoa - trong gió, trong mưa, trong ánh mặt trời. Có những khoảnh khắc mà nhà thơ trở thành hoa, khi người quan sát là vật được quan sát. Có những khoảnh khắc khi nhà thơ không chỉ nhìn vào hoa mà nhìn qua hoa, trở thành đôi mắt của hoa. Một cách tự nhiên, ông ấy chìm sâu hơn khoa học; ông ấy đem tới viên kim cương lớn hơn nhiều, những đá quí hơn nhiều.

Thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc - chúng tới gần thực tại hơn bởi vì chúng sẵn sàng để tham gia. Nhưng chúng chỉ là ở lưng chừng.

Tôn giáo về căn bản liên qua tới cái chết. Cái chết chứa tất cả: cái chết chứa cuộc sống, cái chết chứa tình yêu, và cái gì đó còn hơn thế mà cả cuộc sống không chứa được nó mà tình yêu cũng không thể chứa được. Cái chết là việc tích luỹ của tất cả, là cao trào, là đỉnh cao nhất. Cuộc sống là cơ sở, cái chết là đỉnh cao - tình yêu nằm đâu đó ở giữa.

Người tôn giáo, nhà huyền môn, cố gắng thám hiểm bí ẩn này của cái chết. Trong việc thám hiểm bí ẩn của cái chết, người đó đi tới biết cuộc sống là gì, tình yêu là gì. Những điều đó không phải là mục đích của người đó. Mục đích của người đó là xuyên thấu vào cái chết, bởi vì dường như chẳng có gì bí ẩn hơn cái chết. Tình yêu có bí ẩn nào đó bởi vì cái chết, và cuộc sống cũng có bí ẩn nào đó bởi vì cái chết.

Nếu cái chết biến mất thì sẽ không có bí ẩn nào trong cuộc sống cả. Đó là lí do tại sao vật chết lại không có bí ẩn trong nó. Cái xác không có bí ẩn nào trong nó, bởi vì nó không thể chết thêm nữa được. Bạn nghĩ nó không có bí ẩn nào bởi vì cuộc sống đã biến mất sao? Không, nó không có bí ẩn nào bởi vì bây giờ nó không thể chết hơn nữa được. Cái chết đã biến mất, và cùng với cái chết tự động cuộc sống biến mất. Cuộc sống chỉ là một trong những cách thức diễn đạt của cái chết.

Cái xác không có bí ẩn nào bởi vì, với sự biến mất của cái chết, tình yêu mất đi. Mới một khoảnh khắc trước đã có bí ẩn lớn lao; bây giờ chỉ có cái không. Bạn chỉ có thể đi và chôn người chết hay thiêu người chết. Dấu chấm hết đã tới. Quá trình này đã dừng lại rồi. Chính cái chết mới giữ cho quá trình này tiếp diễn. Chính cái chết mới giữ cho bạn nhận biết về cái gì đó bí ẩn, huyền diệu, kì diệu.

Tôn giáo dựa trên việc tìm kiếm vào cái chết, và hiểu cái chết là hiểu tất cả. Kinh nghiệm cái chết là kinh nghiệm tất cả, bởi vì trong kinh nghiệm về cái chết, bạn không chỉ kinh nghiệm cuộc sống ở chỗ cao nhất của nó, tình yêu ở chỗ sâu nhất của nó; trong việc kinh nghiệm cái chết bạn đi vào trong điều thiêng liêng. Cái chết là cánh cửa đi tới điều thiêng liêng. Cái chết là tên của cánh cửa của ngôi đền của Thượng đế. Thiền nhân chết đi một cách tự nguyện.

Có hai loại cái chết. Một là cái chết thường; mọi người đều chết nó. Đó không phải là cái chết của nhà huyền môn. Cái chết thường xảy ra ngược với bạn; bạn đi vào trong nó một cách rất ngần ngại. Bạn không muốn đi vào trong nó, bạn níu bám lấy cuộc sống. Bạn không trở thành sẵn có cho nó, bạn không trở thành cởi mở cho nó. Do đó bạn cứ bỏ lỡ vấn đề.

Nhiều lần bạn đã chết, nhưng mỗi lần bạn chết lại có nhiều điều bị ám ảnh với cuộc sống tới mức bạn không thể thấy được cái chết là gì. Mắt bạn bị hội tụ vào cuộc sống, bạn níu bám lấy cuộc sống. Bạn đằng nào cũng bị chộp ra, và cách duy nhất để chộp bạn ra là làm cho bạn thành vô ý thức.

Khi bác sĩ giải phẫu sắp mổ bạn ông ấy làm cho bạn thành vô ý thức, ông ấy cho bạn thuốc mê. Đó là điều cái chết đã làm trong hàng thế kỉ, từ vĩnh hằng. Nếu bạn không thể đi một cách hân hoan, nhảy múa vào trong nó, thì thuốc mê có sẵn: mọi người trở thành vô ý thức trước khi họ chết. Đó là lí do tại sao bạn không nhớ tới các kiếp quá khứ của mình, bởi vì bạn trở thành vô ý thức sâu tới mức trước khi bạn chết thì chương đó đã trở nên bị đóng lại.

Nếu một người có thể chết đi một cách có ý thức, tỉnh táo, người đó sẽ nhớ kiếp sống quá khứ của mình. Đó là cách Ấn Độ đã khám phá ra rằng không chỉ có một kiếp sống; hàng triệu lần bạn đã sống rồi. Bạn không mới, bạn là kẻ hành hương rất cổ đại. Nhưng mỗi lần bạn chết đi một cách ngần ngại, vô ý thức; do đó bạn quên mọi thứ.

Nhà huyền môn chết một cách tự nguyện. Nhà huyền môn chết trước cái chết thực; ông ấy chết trong thiền. Người yêu biết chút ít về nó bởi vì năm mươi phần trăm của tình yêu là cái chết. Đó là lí do tại sao tình yêu rất gần với thiền. Người yêu biết cái gì đó của tính thiền; vô nhận biết họ đã loạng choạng vào nó. Người yêu biết im lặng, tĩnh lặng. Người yêu biết vô thời gian, nhưng họ đã loạng choạng vào nó - nó đã không là việc tìm kiếm cơ bản của họ.

Nhà huyền môn đi vào trong nó một cách rất có ý thức, một cách có chủ định. Thiền là cái chết toàn bộ, cái chết tự nguyện. Người ta chết trong bản thân mình. Trước khi cái chết tới, nhà huyền môn chết. Ông ấy chết mọi ngày. Bất kì khi nào ông ấy thiền ông ấy đều đi vào cái chết. Ông ấy đạt tới những đỉnh cao đó, những chiều sâu đó, và dần dần, dần dần, khi thiền trở thành tự nhiên, ông ấy bắt đầu sống cái chết. Thế thì từng khoảnh khắc cuộc sống của ông ấy cũng là khoảnh khắc của cái chết. Từng khoảnh khắc ông ấy chết đi quá khứ và vẫn còn tươi tắn, bởi vì khoảnh khắc bạn chết đi quá khứ thì bạn trở thành sống động cho hiện tại.

Ông ấy liên tục chết đi và vẫn còn tươi tắn như giọt sương hay như lá sen vào buổi sáng sớm mặt trời. Sự tươi tắn của ông ấy, sự trẻ trung của ông ấy, vô thời gian của ông ấy, tuỳ thuộc vào nghệ thuật chết. Và thế thì khi cái chết thực tới ông ấy chẳng có gì để sợ, bởi vì ông ấy đã biết cái chết này cả nghìn lần rồi. Ông ấy xúc động, say mê; ông ấy nhảy múa! Ông ấy muốn chết một cách hân hoan. Cái chết không tạo ra sợ hãi trong ông ấy; ngược lại, sự hấp dẫn vô cùng, sức hút lớn lao.

Và bởi vì ông ấy chết đi một cách hân hoan nên ông ấy chết mà không trở nên vô ý thức, và ông ấy biết toàn thể bí mật của cái chết. Biết điều đó, ông ấy có chìa khoá chính có thể mở mọi cánh cửa. Ông ấy có chìa khoá có thể mở cánh cửa của Thượng đế.

Và bây giờ ông ấy biết rằng mình không là một cá nhân tách biệt. Chính ý tưởng về tách biệt là ngu xuẩn. Chính ý tưởng về tách biệt có đó bởi vì ông ấy đã không nhận biết về cái chết. Bạn nghĩ bản thân mình tách biệt như một bản ngã bởi vì bạn không biết cái chết là gì. Nếu bạn biết cái chết, bản ngã sẽ bay hơi. Và khoảnh khắc bản ngã bay hơi bạn bắt đầu cảm thấy toàn thể sự tồn tại.

Trích từ "Dhammapada: Con đường của Phật - tập 4"

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.

tôi tìm thấy Tôi