Thursday 29 November 2018

Journey to the West 25


【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi tám

Vượn thuộc, ngựa thuần, vừa thoát xác
Công thành, hành đủ, gặp Chân Như


Khấu viên ngoại đã được sống lại, lại sửa soạn các thứ cờ phan, kèn trống, lại mời cả nhà sư, thầy đạo, thân thích bạn bè như trước.

Lại nói bốn thầy trò Đường Tăng ra tới đường cái thấy quả nhiên Tây Phương là đất Phật, các nơi đất khác khôn bì.

Nhìn thấy nào hoa thơm cỏ lạ, trắc cỗi, thông già; những nơi đi qua mọi nhà đều theo thiện, nơi nào cũng nuôi sư. Có nhiều người tu hành trên núi, thấy cả tiếng tụng kinh trong rừng. Mấy thầy trò ngày đi đêm nghỉ, đã đến sáu bảy hôm trời, chợt trông thấy một dãy lầu cao, mấy từng gác rộng.

Tam Tạng cầm roi chỉ nói:

- Ngộ Không, nơi kia xinh đẹp chưa?

Hành Giả nói:

- Sư phụ gặp những cảnh giới giả, tượng Phật giả, thì khom lưng quỳ gối lạy, ngày nay đã tới nơi tượng Phật chân chính, cảnh giới chân như, lại không xuống ngựa là tại làm sao?

Tam Tạng nghe nói, hoảng sợ, ở trên mình ngựa nhảy xuống, đi đến trước cửa lâu tòa lầu các đó, thấy một đạo đồng, đứng chếch ở ngoài cửa chùa gọi hỏi:

- Kẻ tới đó có phải là những người ở bên Đông Thổ đi lấy kinh không?

Trưởng lão vội vàng sửa áo, ngửng đầu lên nhìn.

Tôn đại thánh nhận ra người ấy, liền gọi:

- Sư phụ ạ, đây là vị Kim Đỉnh đại tiên ở quán Ngọc Chân dưới chân núi Linh Sơn, người đến đón chúng mình đấy.

Tam Tạng mới tỉnh ngộ, tiến lên chào hỏi.

Đại tiên cười nói:

- Năm nay thánh tăng mới tới. Tôi bị Quan m Bồ Tát đánh lừa. Mười năm trước đây, người lĩnh chỉ của Phật tổ sang Đông Thổ tìm người lấy kinh, có nói là hai ba năm sẽ đến nơi đây, tôi đợi hết năm này qua năm khác, tuyệt không thấy tin, mãi đến bây giờ mới gặp nhau.

Tam Tạng chắp tay nói:

- Làm đại tiên thêm khó nhọc, rất lấy làm cảm kích, cảm kích!

Thế rồi dắt ngựa quẩy gánh, bốn người vào cả trong quán.

Mọi người lần lượt đến chào mừng đại tiên chủ nhân. Liền sai pha trà làm cơm chay, đoạn lại sai tiểu đồng nấu nước thơm để thánh tăng tắm gội, sửa soạn lên đất Phật. Ấy chính là:

Công đủ hạnh tròn nên tắm gội,

Tình thuần tính luyện hợp lòng trời.

Muôn cay nghìn đắng nay vừa hết,

Chín giới ba quy mới hẳn rồi,

Ma hết quả nhiên sang đất Phật,

Tai qua nên được thấy Bồng Lai.

Tắm nhơ, rũ bụi, không gì vướng,

Tới gốc về nguồn rất thảnh thơi.

Mấy thầy trò tắm gội xong, trời vừa sẩm tối, bèn đến cả quán cầm tích trượng, lên nhà lạy từ đại tiên. Đại tiên cười nói:

- Hôm qua còn lam lũ, hôm nay đã tươi đẹp như hoa, tướng mạo này thật đáng là Phật tử.

Tam Tạng lạy từ ra đi. Đại tiên nói:

- Hãy thong thả, để tôi đi tiễn người.

Hành Giả nói:

- Bất tất ngài phải tiễn, lão Tôn đã biết đường.

Đại tiên nói:

- Đường ngài biết đó là đường mây, thánh tăng chưa từng đi đường mây, phải đi theo lối đường bộ.

Hành Giả nói:

- Ngài nói đúng, lão Tôn có đi lại mấy lần, chỉ là đi mây về gió, thực chưa được đi theo đường bộ. Đã có đường lối, vậy phiền ngài đưa đi, sư phụ tôi nặng lòng bái Phật, xin chớ chậm trễ.

Vị đại tiên cười hì hì, khoác lấy tay Đường Tăng, tiếp dẫn đưa lên pháp môn. Số là con đường này không ra lối cửa chùa, mà là từ gian giữa quán, đi xuyên qua lối cửa sau.

Đại tiên trỏ lên Linh Sơn nói:

- Thánh tăng hãy xem nơi lưng chừng trời có mây điểm năm sắc, khí đẹp nghìn tầng, đấy là ngọn núi cao Linh Thứu, nơi đất thánh của Phật tổ đấy.

Đường Tăng nhìn thấy sụp lạy.

Hành Giả cười nói:

- Sư phụ, chưa đến nơi lễ bái đâu! Thường có câu: “Trông thấy rồi còn chạy đổ ngựa nữa kia”. Đất thánh của Phật tổ cách đây còn xa lắm, làm sao đã lạy? Nếu lạy đến trên đỉnh, liệu có sầy da trán ra không?

Đại tiên nói:

- Thánh tăng cùng đại thánh, Thiên Bồng, Quyển Liêm, bốn vị đã đến đất phúc, trông thấy non thiêng, tôi xin trở lại.

Tam Tạng vội vàng lạy từ ra đi.

Đại thánh dẫn bọn Đường Tăng, thong thả bước lên núi, đi chưa đến năm sáu dặm, thấy một dòng sông cuồn cuộn, chiều rộng có tới tám chín dặm, chung quanh không có thấy bóng người. Tam Tạng hoảng sợ nói:

- Ngộ Không, đi đường này sai quách rồi, hay là đại tiên trỏ lầm chăng? Sông này rộng thế, sóng dữ thế kia, không có đò làm sao qua được?

Hành Giả cười nói:

- Không sao đâu! Thầy không thấy ở đằng kia có một tỏa cầu dài đấy ư? Phải đi sang qua cái cầu ấy mới thành chính quả được.

Bọn Đường Tăng đi đến gần ngó nhìn thấy bên cầu có một cái biển, trên biển có ba chữ “Bến Lăng Vân” nguyên là một cái cầu độc mộc. Chính là:

Xa ngắm ngang trời như cột ngọc

Gần nhìn chặn nước một cây già

Ngăn sông ngáng bể làm còn dễ,

Cây một, xà đơn khó vượt qua.

Muôn trượng mây hồng trùm đất rộng

Nghìn tầm lụa trắng tiếp trời xa.

Trơn như dầu đổ khôn qua lại,

Trừ có thần tiên dạo gót hoa…

Tam Tạng kinh hồn mất vía nói:

- Ngộ Không, cầu này không đi được. Chúng mình hãy tìm lối khác mà đi vậy.

Hành Giả cười nói:

- Chính đường này đây! Chính đường này đây!

Bát Giới hoảng sợ nói:

- Cái lối này, bố ai dám đi! Mặt sông đã rộng, sóng gió lại to, vẻn vẹn có mỗi một cây gỗ, vừa nhỏ vừa trơn, đi làm sao được?

Hành Giả nói:

- Mọi người đứng lại đây, để lão Tôn đi cho mà xem.

Đại thánh giơ chân bước, trèo lên cầu độc mộc, vung vung vẩy vẩy, vụt chốc, đã đi sang qua, đứng ở bên kia cầu gọi to:

- Đi sang! Đi sang!

Đường Tăng xua tay, Bát Giới, Sa Tăng cắn ngón tay nói:

- Khó lắm! Khó lắm!

Hành Giả lại từ bên kia cầu trở về, túm lấy Bát Giới nói:

- Chú ngốc, đi theo tôi, đi theo tôi!

Bát Giới nằm lăn ra đất nói:

- Trơn! Trơn! Trơn! Đi không được! Tha cho tôi! Để tôi cưỡi mây sang qua!

Hành Giả giữ lại nói:

- Ở đây là nơi nào, ai cho chú cưỡi mây? Tất phải theo cầu này đi sang qua, mới được thành Phật.

Bát Giới nói:

- Anh ạ, không được thành Phật thì thôi, thực là không đi được.

Hai người đương đứng ở bên cầu, co co kéo kéo sắp đánh nhau, may có Sa Tăng đến khuyên giải, mới chịu buông nhau ra. Tam Tạng ngoảnh lại chợt thấy ở dưới hạ lưu có một người chèo con thuyền tới, gọi bảo:

- Lên đò! Lên đò!

Trưởng lão rất mừng nói:

- Đồ đệ, đừng cãi nhau nữa. Kia đã có một con thuyền đương chở lại đây rồi.

Cả ba người chạy lại, đứng nhìn đăm đăm. Con thuyền chèo gần đến nơi, té ra là một con thuyền không có đáy. Cặp mắt lửa con ngươi vàng của Hành Giả đã nhận ra vị Phật tổ đón tiếp, còn gọi là Nam Vô Bảo Tràng quang vương phật Hành Giả không dám nói rõ, chỉ hỏi:

- Ở đâu đến thế? Chèo lại đây!

Trong chớp mắt thuyền chèo tới bờ sông. Người chèo thuyền gọi:

- Lên đò! Lên đò!

Tam Tạng trông thấy, trong lòng lo sợ, nói:

- Cái thuyền của ngài không có đáy thế này, đi đến nào được?

Phật tổ nói:

- Thuyền ta đây:

Hồng mông từ thuở nổi thanh danh,

May có ta đây lái rất sành.

Sóng gió mặc dù, thường vững chãi,

Trước sau chi kể, cứ thăng bình.

Bụi nhơ không bợn về riêng lối,

Đời kiếp yên vui mặc thỏa tình.

Không đáy con thuyền qua bể rộng,

Xưa nay tế độ khắp quần sinh.

Tôn đại thánh chắp tay tạ ơn nói:

- Cảm ơn ngài đón tiếp thầy tôi! Sư phụ, lên thuyền đi. Thuyền của ngài đây, tuy không có đáy, nhưng vững chãi, dù có sóng gió, cũng không lật được.

Trưởng lão vẫn còn lo ngại, Hành Giả tréo cánh tay, ẩy một cái, Đường Tăng không gượng được, ngã xuống dưới nước đến tõm một cái, được người lái đò đỡ vội ngay lấy, dắt lên trên thuyền. Sư phụ đương rũ quần áo, giậm chân, oán trách Hành Giả. Hành Giả đã dẫn Bát Giới, Sa Tăng dắt ngựa, quẩy gánh cũng lên trên thuyền, đứng cả ở đằng mũi.

Phật tổ nhẹ nhàng ra tay chèo quay ra, bỗng thấy ở phía thượng lưu có một thây người trôi xuống. Trưởng lão trông thấy hoảng sợ.

Hành Giả cười nói:

- Sư phụ đừng sợ, cái đó nguyên là thầy đấy.

Bát Giới cũng nói:

- Đúng là thầy! Đúng là thầy!

Sa Tăng vỗ tay, cũng nói:

- Đúng là thầy! Đúng là thầy!

Người lái đò giơ tay ra hiệu, cũng nói:

- Chính ngài đấy! Đáng mừng! Đáng mừng!

Cả bọn ba người cùng lên tiếng họa theo một loạt. Đò chèo đi, chỉ một lúc, đã sang qua bến đò tiên Lăng Vân rất yên ổn. Tam Tạng quay người lại, nhẹ nhàng bước lên bờ bên kia. Có thơ làm chứng rằng:

Xương cốt phàm phai đã thoát thân,

Tương thân tương ái một nguyên thần.

Giờ đây hạnh đủ đương thành Phật,

Rửa sạch từ xưa hết bụi trần.

Thế mới thực là phép trí tuệ rộng lớn, đưa thầy trò Đường Tăng sang được cõi Phật.

Bốn thầy trò lên bờ, ngoảnh lại, cả người lái đò và con thuyền không đáy cũng không biết đi đằng nào mất. Lúc ấy Hành Giả mới nói cho biết chính là đức Phật dẫn đường. Bấy giờ Tam Tạng mới tỉnh ngộ, vội quay mình lại tạ ơn ba người đồ đệ.

Hành Giả nói:

- Cả hai bên đều không ai phải tạ ai cả, kẻ này người kia đều giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi nhờ sư phụ giải thoát, mượn đường lối tu hành, may được thành chính quả; sư phụ cũng nhờ chúng tôi bảo hộ, giữ đạo tu hành, mừng thoát khỏi phàm thai tục cốt. Thưa sư phụ, thầy thử xem những cảnh vật cỏ, hoa, tùng, trúc, loan, phượng, hạc, hươu, trước mặt đây, so với những nơi yêu tà biến hóa ra, đâu đẹp đâu xấu, đâu thiện đâu ác?

Tam Tạng khen tạ khôn xiết. Người nào người nấy thân thể nhẹ nhàng đi lên tới Linh Sơn, đã trông thấy chùa cổ Lôi m:

Đỉnh sát tầng Tiêu Hán, chân tiếp mạch Tu Di. Núi khéo xếp vòng la liệt, đá lạ bài trí lô nhô. Cỏ ngọc hoa vàng treo sườn núi, huệ thơm lan tía rợp đường đi. Vượn tiên hái quả báu, thẳng lối vào rừng đào, rầng rậc tựa lửa bốc thiêu vàng; hạc trắng đỗ cây tùng, vắt vẻo đầu cành, cuồn cuộn như khói vòng nâng ngọc. Từng đôi phượng múa, hướng dương vang hót phúc lành nhiều. Từng cặp loan xanh, đón gió xòe tung đời ít có. Lại kìa, mái ngói xếp uyên ương vàng rực rỡ; tường nọ gạch hoa mã não sáng long lanh. Đông một hàng, tây một hàng, hết thẩy đều là vầng cung, châu khuyết. Nam một dãy, bắc một dãy, nhìn không chán những gác báu lầu vàng. Điện Thiên Vương bên trên tỏa hào quang; nhà Hộ Pháp đằng sau phun lửa đỏ. Tháp phủ đồ nổi rõ, hoa sen vàng ngát lừng. Chính là nơi: đất cao kỳ, ngỡ trời riêng biệt; mây lơ lửng, thấy ngày dài ghê. Bụi hồng không bợn, mọi duyên cắt hết. Muôn kiếp vô cùng nơi đại pháp môn.

Mấy thầy trò thẩn thơ đi lên đỉnh núi Linh Sơn, đã thấy ưu bà la liệt dưới rừng thông, thiện sĩ xếp hàng trong khóm trắc. Trưởng lão tới nơi làm lễ chào. Các ưu bà tắc, ưu bà di, Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni kinh hoảng chắp tay nói:

- Thánh tăng chớ vội làm lễ, đợi khi người gặp đức Mầu Ni rồi, xin mới đến nói chuyện.

Hành Giả cười nói:

- Vội thế! Vội thế! Hãy đi bái vị trên đã.

Trưởng lão khua chân múa tay, đi theo Hành Giả, thẳng đến bên ngoài cửa chùa Lôi m. Ở đấy có bốn vị Kim Cương đón tiếp nói:

- Thánh tăng đã đến đấy ư?

Tam Tạng cúi mình nói:

- Vâng! Đệ tử Huyền Trang đã đến.

Đường Tăng trả lời xong, muốn tiến vào cửa.

Kim Cương nói:

- Thánh tăng ngồi tạm đây, để tôi đi bẩm rồi sẽ vào.

Các vị Kim Cương để một vị vào trong chùa báo với bốn vị Kim Cương ở từng cửa thứ hai, nói là Đường Tăng đã đến; từng cửa thứ hai truyền báo cửa thứ ba, nói là Đường Tăng đã đến, ở từng cửa thứ ba nguyên là vị thần tăng làm đồ cúng, nghe nói Đường Tăng đã đến, vội đến trước điện Đại Hùng, báo lên đức Như Lai chí tôn Thích Ca Mầu Ni Văn Phật.

- Vị Thánh tăng bên Đường Triều đi sang bảo sơn lấy kinh, đã tới nơi rồi.

Đức Phật tổ rất mừng, liền triệu tám vị bồ tát, bốn vị kim cương, năm trăm vị la hán, ba nghìn vị yết đế, mười một vị đại diệu, mười tám vị già lam, đến đứng ra hai hàng, rồi truyền chỉ cho triệu Đường Tăng vào. Ở bên ngoài, các tầng các cửa, kính theo chỉ Phật, gọi:

- Mời thánh tăng tiến vào!

Đường Tăng cùng Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh, dắt ngựa quẩy gánh, lễ phép cất bước tiến vào trong nhà. Thực là:

Từ khi phất chí lĩnh khâm sai.

Nhận điệp từ vua đến cõi ngoài.

Buổi sáng lên non chào gió sớm,

Chiều hôm gối đá ngắm mây trôi.

Ba nghìn nước biếc chân khoan bước,

Muôn rậm rừng xanh gậy chống nhoài,

Tạc dạ một niềm tìm chính quả,

Ngày nay mới được gặp Như Lai.

Bốn người đến trước tòa điện báu Đại Hùng, rạp mình lạy xuống, lạy xong lại lạy hai bên tả hữu mỗi lần hai lạy, rồi mỗi người đều lạy quanh ba vòng, sau mới đến quỳ trước Phật tổ, đưa tờ thông quan văn điệp, đệ lên. Như Lai xem hết một lượt, trao trả lại Tam Tạng.

Tam Tạng cúi đầu làm lễ, bạch lên:

- Đệ tử là Huyền Trang, vâng chỉ ý vua Đại Đường Hoàng Đế bên Đông Thổ, sai đến Bảo Sơn, cầu lấy chân kinh, tế độ cho chúng sinh, mong đức Phật tổ ra ơn, ban cho để mang về nước.

Như Lai mới mở cửa miệng từ bi, phát tấm lòng thương xót, nói với Tam Tạng:

- Bên Đông Thổ nhà ngươi thuộc vào Nam Thiêm Bộ châu, chính vì trời cao đất dày, người đông vật lắm, nhiều tham nhiều sát, nhiều dâm, nhiều dối, nhiều lọc, nhiều lừa, không theo Phật giáo, không giữ thiện duyên, không kính Tam Quang, không trọng ngũ cốc, chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nghĩa, chẳng nhân, lừa mình dối dạ, cân nhỏ, đấu to, sát sinh hại mạng, tạo nên ác nghiệt vô biên, tội đầy, ác chật, đến nỗi phải tai ương địa ngục; cho nên đọa mãi dưới u mình, phải chịu xiết bao khổ nạn, giã thịt nghiền xương, biến hóa ra súc vật. Có biết bao nhiêu thân hình đâm lông mọc sừng, đem thân trả nợ, đem thịt nuôi người. Những kẻ bị đọa xuống địa ngục A Tụy, không được siêu thăng, đó đều là vì thế cả. Ở bên ấy dù có họ Khổng lập ra nền giáo nhân nghĩa lễ trí, các vị đế vương nối nhau, hình phạt có bỏ tù, đi đày, thắt cổ, chém chết, nhưng đối với những kẻ ngu xuẩn, dốt nát, ngông dại không kiêng kỵ gì thì làm thế nào được? Nay ta có ba tạng kinh, có thể siêu thoát được khổ nạn, giải trừ được tai khiên. Ba tạng là một tạng Pháp bàn việc trời, có một tạng Luận bàn về đất, có một tạng Kinh siêu độ người chết. Cộng là mươi nhăm bộ, có một vạn năm nghìn một trăm bốn mươi tư quyển. Thực là đường lối chân tu, cửa ngõ chính thiện. Phàm những việc thiên văn, địa lý, nhân vật, chim muông, hoa cỏ, đồ dùng, việc người, ở bốn bộ châu trong thiên hạ không điều gì là không chép. Các ngươi ở xa lại, cũng muốn giao cả cho mà mang về, khốn nỗi những người phương ấy ngu xuẩn, ương ách, phỉ báng chân ngôn, không biết nghĩa xa sâu trong đạo sa môn của ta!

Liền gọi:

- A Nan, Ca Diếp, các ngươi dẫn bốn người đến dưới lầu báu, trước hãy đãi cơm chay, xong mở bảo các ra, đem pho kinh Tang Tạng của ta, trong ba mươi nhăm bộ, chọn lấy mấy quyển giao cho chọ truyền sang Đông Thổ, ghi mãi ơn sau.

Hai tôn giả vâng theo Phật dạy, đưa bốn người đến dưới lầu, xem không xiết vật quý của báu, đã thấy các vị thần sắp đồ cúng đặt bày yến tiệc, toàn là những phẩm tiên, thức ăn tiên, trà tiên, quả tiên, trăm món ngon lành, không giống như phàm tục. Bọn thầy trò làm lễ tạ ơn Phật rồi tùy ý ăn uống.

Lần nay Bát Giới gặp may mắn, Sa Tăng được tiện nghi. Nơi Phật tổ được hưởng thọ trường sinh, bữa cơm đổi da thay cốt, tha hồ hưởng thụ Hai tôn giả ngồi tiếp bốn người, cơm xong lại vào bảo các, mở cửa cho lên xem. Bên trong có ánh sáng vẻ đẹp nghìn từng trùm bọc, mây lành, năm sắc, muôn đạo tràn lan. Trên tủ kính, ngoài hòm báu, đều dán thẻ đỏ, ghi các số mục quyển kinh. Đó là:

Một bộ kinh Niết Bàn 748 quyển

Một bộ kinh Bồ Tát 1021 quyển

Một bộ kinh Hư Không Tạng 4009 quyển

Một bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm 110 quyển

Một bộ kinh Hoa Nghiêm 500 quyển

Một bộ kinh Đại Bát Nhã 916 quyển

Một bộ kinh Vị Tăng Hữu 1110 quyển

Một bộ kinh Tam Luận Biệt 270 quyển

Một bộ kinh Chính Pháp Luận 120 quyển

Một bộ kinh Ngũ Long 32 quyển

Một bộ kinh Đai Tập 130 quyển

Một bộ kinh Pháp Hoa 100 quyển

Một bộ kinh Bảo Thường 220 quyển

Một bộ kinh Tăng Kỳ 157 quyển

Một bộ kinh Khởi Tín Luận 1000 quyển

Một bộ kinh Bảo Uy 1280 quyển

Một bộ kinh Chính Luật Văn 200 quyển

Một bộ kinh Duy Thức Luận 100 quyển

Một bộ kinh n Ý Đại Tập 50 quyển

Một bộ kinh Bảo Tàng 45 quyển

Một bộ kinh Lễ Chân Như 90 quyển

Một bộ kinh Đại Quang Minh 300 quyển

Một bộ kinh Duy Ma 170 quyển

Một bộ kinh Kim Cương 100 quyển

Một bộ kinh Phật Bản Hành 800 quyển

Một bộ kinh Bồ Tát Giới 116 quyển

Một bộ kinh Ma Kiệt 350 quyển

Một bộ kinh Du Già 100 quyển

Một bộ kinh Tây Thiên Luận 130 quyển

Một bộ kinh Phật Quốc Tạp 1950 quyển

Một bộ kinh Đại Trí Độ 1080 quyển

Một bộ kinh Bản Các 850 quyển

Một bộ kinh Đại Khổng Tước 220 quyển

Một bộ kinh Cụ Xã Luận 200 quyển

A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng xem khắp tên các bộ kinh rồi nói với Đường Tăng:

- Thánh tăng từ Đông Thổ đến đây, phải có ít nhiều lễ vật cho chúng tôi chứ! Xin đưa ngay ra đây, mới giao kinh cho.

Tam Tạng nghe đoạn, nói:

- Đệ tử Huyền Trang, đường trường xa cách, chưa hề sắm được.

Hai tôn giả cười nói:

- Tốt! Tốt! Tốt! Kế thế giao kinh công không thế này, người sau đến chết đói mất!

Hành Giả thấy bọn họ giở giọng xoay tiền, không chịu giao kinh, tức không nhịn được kêu lên:

- Sư phụ ạ, chúng mình đi bạch Như Lai, bắt họ từ phải mang kinh đến cho lão Tôn!

A Nan nói:

- Đừng có kêu, ở đây là nơi nào mà nhà ngươi còn bướng bỉnh điêu toa! Lại đây mà nhận lấy kinh!

Bát Giới, Sa Tăng đã quen nén tính nóng nảy, khuyên can Hành Giả, rồi cùng quay đi nhận kinh, từng quyển, từng quyển xếp vào trong khăn gói chất lên mình ngựa, lại chia làm hai gánh, cho Bát Giới và Sa Tăng gánh đi, rồi đều đến trước bảo tọa cúi đầu tạ ơn đức Như Lai, đoạn đi thẳng ra cửa, gặp một vị phật tổ, lạy hai lạy, gặp một pho bồ tát, lạy hai lạy. Ra tới cửa lớn lại làm lễ chào tỳ kheo tăng, ni, ưu bà di, tắc, rồi xuống núi trở về.

Lại nói trên bảo các lại có vị Nhiên Đăng cổ Phật, ngồi ở trên gác, mỏng tai nghe thấy công việc truyền kinh, đã biết rõ ràng bọn A Nan, Ca Diếp đem những kinh không có chữ giao cho thầy trò Đường Tăng, liền cười một mình nói rằng:

- Bọn nhà sư bên Đông Thổ ngu mê, không biết là kinh không có chữ, thánh tăng lặn lội lần này, lại chẳng toi công ư?

Liền hỏi:

- Bên tòa có ai ở đấy không?

Đã thấy Bạch Hùng Tôn Giả đứng ra.

Cổ Phật dặn dò bảo:

- Ngươi khá giở hết thần oai, đuổi theo cho kịp Đường Tăng, bao nhiêu những quyển kinh không có chữ cướp lại hết, bảo chúng hãy trở lại cầu lấy chân kinh có chữ.

Bạch Hùng Tôn Giả cưỡi trận gió lốc, đi ra khỏi ngoài cửa chùa Lôi m, giở hết thần oai, đuổi theo bọn Tam Tạng. Đường Tăng đương đi đường, bỗng nghe thấy gió thơm cuồn cuộn, cư bảo là điềm lành của Phật tổ, chưa kịp đề phòng, lại nghe thấy có tiếng vang, một bàn tay ở trên không trung thò xuống, bao nhiêu kinh chất ở trên mình ngựa nhẹ nhàng nhắc đi hết. Tam Tạng sợ hoảng thót bụng lại kêu la, Bát Giới cắm cổ đuổi theo, Sa Tăng đứng giữ mấy gánh kinh, Tôn Hành Giả cũng chạy đuổi theo như bay.

Vị Bạch Hùng Tôn Giả thấy Hành Giả đuổi gần đến nơi, sợ cây gậy của y không biết nể, nhỡ một khi bất chấp trái phải choảng cho mình một gậy thì sao, liền đem cả gói kinh xé toang ra, vứt tung xuống đất. Hành Giả thấy kinh rơi xuống, lại bị gió thơm thổi bay lung tung, tức thì dừng mây bước xuống giữ lấy kinh, không chạy đuổi theo nữa. Vị Bạch Hùng Tôn Giả theo gió cuốn mây về báo với đức Cổ Phật.

Bát Giới chạy đuổi theo, thấy các bổn kinh rơi xuống, bèn cùng với Hành Giả thu lại đèo lên lưng, đến nơi Đường Tăng. Đường Tăng ứa hai hàng nước mắt nói:

- Đồ đệ ạ! Ở nơi cực lạc thế giới này, cũng vẫn còn ma dữ làm hạ thế!

Sa Tăng đỡ lấy những quyển kinh vừa mang lại, mở ra coi, thấy trắng phau như tuyết, chẳng có một chữ nào hết, hoảng sợ nói với Tam Tạng:

- Sư phụ ạ, quyển này không có chữ!

Hành Giả cũng mở ra một quyển, xem thì cũng không có chữ. Bát Giới mở xem một quyển cũng không có chữ.

Tam Tạng bảo:

- Mở hết cả ra xem nào?

Mọi người cùng mở thì ra quyển nào cũng chỉ có giấy trắng. Trưởng lão thở ngắn than dài nói:

- Người Đông Thổ nhà mình quả là vô phúc, những bản kinh không có chữ như thế này, lấy để làm gì? Về gặp vua Đường thì làm thế nào! Cái tội dối vua thực đáng chết!

Hành Giả thấy vậy đoán biết rõ chuyện, nói với Đường Tăng:

- Sư phụ bất tất nói nhiều! Việc này là vì A Nan, Ca Diếp mấy chú bắt ta phải có lễ, ta không có, cho nên mới đem những bản kinh giấy trắng giao cho chúng mình mang đi. Ta nên trở lại ngay, bạch rõ trước mặt Như Lai, hỏi bọn y cái tội hạch tiền làm bậy.

Bát Giới nói:

- Phải đấy! Phải đấy! Đi kiện họ đi!

Bốn người vội vàng trở về núi, hấp tấp trèo lên chùa Lôi m. Một lúc sau, đã đến bên ngoài cửa, thấy mọi người đều chắp tay đón tiếp, cười nói:

- Thánh tăng trở lại đổi kinh phải không?

Tam Tạng gật đầu tạ, các vị Kim Cương cũng không ngăn cản, để cho đi vào. Đường Tăng thẳng tới bước điện Đại Hùng Hành Giả kêu:

- Bạch Như Lai, thầy trò chúng tôi chịu đựng trăm ma nghìn quái, từ bên Đông Thổ đến được chốn này, ơn Như Lai truyền trao kinh cho, bị A Nan, Ca Diếp hạch tiền không được, thông đồng nhau làm bậy, cố ý đưa những bản kinh giấy trắng không có chữ cho chúng tôi mang về. Chúng tôi đưa những của nợ ấy về làm gì? Mong Như Lai xét cho!

Phật tổ cười nói:

- Nhà ngươi chớ nói ồn lên! Chuyện hai người đó đòi lễ bọn ngươi, ta đã biết rồi. Có điều là kinh không phải ai cũng cho, mà cũng không thể lấy không được. Trước đây, các tỳ kheo thánh tăng xuống núi, cũng đem bộ kinh này đọc hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giữ cho nhà ấy người sống an toàn, người chết siêu thoát, chỉ lấy được của nhà ấy ba đấu ba thăng vàng cốm đem về. Ta vẫn còn bảo bọn họ bán rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà dùng.[81] Các ngươi ngày nay tay không đến cầu, cho nên họ mới đưa quyển trắng. Những bản giấy trắng đó, là chân kinh không có chữ, cũng là một thứ tốt. Vì chúng sinh bên Đông Thổ nhà ngươi, ngu mê không tỉnh, chỉ nên truyền cho như thế thôi.

Liền gọi:

- A Nan, Ca Diếp, mau đem những bộ chân kinh có chữ ra đây, trong mỗi bộ chọn lấy mấy quyển cho thầy trò Đường Tăng, rồi trở về đây báo lại ngay.

Hai Tôn Giả lại dẫn bốn người đến dưới lầu ngọc, gác báu, nhưng vẫn đòi Đường Tăng phải đưa tiền lễ. Tam Tạng không có gì dâng kinh, đành phải bảo Sa Tăng lấy bát tộ bằng vàng tía, hai tay dâng lên nói:

- Đệ tử quả là đường xa nghèo túng, không hề sắm được lễ vật. Bát tô này chính tay vua Đường tặng cho, bảo đệ tử giữ lấy để đi xin ăn dọc đường, nay xin đem dâng tỏ chút lòng thành, cúi mong tôn giả thu lấy, đợi về triều tâu lên vua Đường xin sẽ hậu tạ. Chỉ cầu ngài lấy chân kinh ban cho, để khỏi phụ ý khâm sai và công phu đường xa lặn lội.

Vị A Nan đỡ lấy, chỉ chúm chím cười nụ. Mấy người lực sĩ coi lầu ngọc, mấy người đầu bếp ở bếp Hương Tích, thấy tôn giả như vậy, người vuốt mặt, kẻ đập lưng, nào xói tay, nào bĩu mồm cười rộ nói:

- Rõ bêu! Rõ bêu! Lại đi hạch lạc, đòi ăn lễ cả người lấy kinh.

A Nan hổ thẹn, mặt mũi dăn dúm, nhưng tay vẫn giữ chặt lấy cái bát tộ.

Ca Diếp mời thầy trò Tam Tạng vào trong gác kiểm kinh, lấy các thứ soạn ra đưa cho Tam Tạng. Tam Tạng liền gọi:

- Đồ đệ đâu, chúng con phải xem lại cẩn thận, đừng để như lần trước.

Ba người đỡ lấy từng quyển, xem lại từng quyển, quyển nào cũng đều có chữ. Tất cả một nghìn linh bốn mươi tám quyển, đủ số một tạng kinh, xếp bằng bặn chất lên mình ngựa, còn dư bao nhiêu, bó làm một gánh để Sa Tăng quẩy, Bát Giới thì gánh hành lý của nhà, Hành Giả dắt cương ngựa, Đường Tăng chống gậy tích trượng, ấn mũ tỳ lư, phủi bụi áo cầm cà sa, rồi vui vẻ đi đến trước mặt đức Phật tổ. Chính thực là:

Đại tạng chân kinh rất nhiệm mầu.

Như Lai ghi chép có tường đâu.

Huyền Trang trèo núi mòn chân ngựa.

Ca Diếp vòi tiền trớ mặt trâu

Lần trước chưa tưởng nhờ Cổ Phật,

Phen này nhận rõ mới tin nhau.

Từ đây đắc ý về Đông Thổ

Mưa móc nhiều người được thấm sâu!

A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng đến ra mắt Như Lai. Như Lai ngồi trên tòa sen truyền lệnh hai vị đại la hán Hàng Long và Phục Hổ đánh khánh vàng, mời hết ba nghìn chư phật, ba nghìn yết đế, tám kim cương, bốn bồ tát, năm trăm la hán, tám trăm tỳ kheo tăng, các ưu bà di, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, các trời, các động, đất phúc núi thiêng, các tôn giả thánh tăng, lớn nhỏ, có người được mời ngồi lên bảo tọa, có người phải đứng hầu ở hai bên. Trong một lúc, khúc nhạc xa xa, điệu tiên lanh lảnh, rợp trên không mây lành rừng rực, khí đẹp trùng trùng, đủ mặt chư phật đều đến ra mắt Như Lai.

Như Lai nói:

- A Nan, Ca Diếp, truyền cho bọn y được bao nhiêu kinh, nhất nhất báo lại cho rõ:

Hai tôn giả liền khai báo:

- Hiện giao cho Đường Tăng:

- Kinh Niết Bàn 400 quyển

- Hư Không Tạng 20 quyển

- n Ý Đại Tập 40 quyển

- Bảo Tàng 20 quyển

- Lễ Chân Như 30 quyển

- Đại Quang Minh 50 quyển

- Duy Ma 30 quyển

- Kim Cương 1 quyển

- Chính Pháp Luận 20 quyển

- Bồ Tát Giới 60 quyển

- Ma Kiệt 140 quyển

- Du Già 30 quyển

- Tây Thiên Luận 30 quyển

- Phật Quốc Tạp 1638 quyển

- Đại Trí Độ 90 quyển

- Bồ Tát 360 quyển

- Thủ Lăng Nghiêm 30 quyển

- Quyết Định 40 quyển

- Hoa Nghiêm 81 quyển

- Đại Bát Nhã 600 quyển

- Vị Tăng Hữu 550 quyển

- Tam Luật Biệt 42 quyển

- Phật Bản Hành 116 quyển

- Ngũ Long 20 quyển

- Đại Tập 30 quyển

- Pháp Hoa 10 quyển

- Bảo Thường 170 quyển

- Tăng Kỳ 110 quyển

- Khởi Tín Luận 50 quyển

- Bảo Uy 140 quyển

- Bản Các 56 quyển

- Đại Khổng Tước 14 quyển

- Cụ Xá Luận 10 quyển

- Chính Luận Văn 10 quyển

- Duy Thức Luận 10 quyển

Tổng số kinh tạng, cộng ba mươi nhăm bộ, rút ở trong các bộ ra, được năm nghìn linh bốn mươi tám quyển, trao cho thánh tăng bên Đông Thổ lưu truyền ở nhà Đường. Hiện đã thu xếp ngựa thồ người gánh, đâu đấy sẵn sàng, chỉ đợi tạ ơn.

Bốn thầy trò Tam Tạng, kẻ buộc ngựa, người hạ gánh, mọi người đều chắp tay cúi mình, chầu lên trên lễ bái.

Như Lai nói với Đường Tăng rằng:

- Công đức pho kinh này, không có thể cân lường được. Tuy là gương mẫu của môn ta, nhưng chính gốc nguồn trong tam giác. Về đến Nam Thiêm Bộ Châu, nhà ngươi bảo với hết thảy chúng sinh, không được coi thường. Không tắm gội chay tịnh, không được mở kinh. Phải quý hóa, phải trân trọng, vì trong đó có những phép mầu nhiệm đắc đạo thành tiên, có những phương lạ phát minh muôn vật.

Tam Tạng cúi đầu tạ ơn, vâng lệnh làm theo, lễ khắp Phật tổ ba vòng như lần trước, nhận lời giáo giới, lĩnh kinh ra về, đi đến lần cửa chùa thứ ba, nhất nhất tạ ơn hết thảy các thánh.

Như Lai cho Đường Tăng ra về. Lễ truyền kinh cũng xong, Quan Thế m Bồ Tát ở bên cạnh bước ra chắp tay bạch lên Phật tổ nói:

- Thuở trước đệ tử vâng lời vàng đến Đông Thổ tìm người đi lấy kinh, tất cả là mười bốn năm[82] nay đã thành công, mới có năm nghìn linh bốn mươi ngày, còn thiếu tám ngày không hợp với số tạng kinh, xin chuẩn cho đệ tử lại kế tiếp vâng lệnh chỉ.

Như Lai rất mừng nói:

- Lời xin rất đúng!

Liền gọi tám vị Kim Cương dặn bảo:

- Các người dùng ngay thần oai, hộ tống thánh tăng về phương đông, đưa chân kinh ra truyền lưu lại rồi liền dẫn thánh tăng về đây ngay, chỉ ở trong vòng tám ngày cho tròn số một tạng. Không được chậm trễ!

Các vị Kim Cương lập tức đi theo Đường Tăng gọi bảo:

- Những người đi lấy kinh, hãy theo ta!

Bọn Đường Tăng đều thân thể nhẹ nhàng, phất pha phất phới, cười trên từng mây, đi theo các vị Kim Cương. Đó mới là:

Tính sáng lòng không chầu Phật tổ,

Công hoàn, hạnh đủ, khắc bay lên.

Chưa biết về bên Đông Thổ truyền dạy thế nào, xem tới hồi sau sẽ rõ.

Chú thích
[81] Trong bài tựa mở đầu, có dẫn lời Phật Như Lai về việc này, câu dịch chưa được sát nghĩa. Xin các bạn coi câu dịch này là đúng và sửa chữa cho. 

[82] Trong bài tựa “Ba lần đọc Tây Du” có chép là 17 năm. Nay đính chính lại cho đúng là 14 năm. Mong các bạn sửa dùm cho.

【Tây Du Ký】Hồi thứ chín mươi chín

Tám mươi mốt nạn, yêu ma hết
Công hạnh tu tròn, đạo lớn thành


Hãy gác chuyện tám vị Kim Cương đưa Đường Tăng về nước. Đây nói chuyện các vị ngũ phương yết đế, tứ trực công tào, đinh ba giáp, hộ giáo, già làm ở từng cửa thứ ba, tiến đến trước mặt Quan m Bồ Tát thưa hỏi:

- Trước kia bọn đệ tử chúng tôi vâng pháp chỉ Bồ Tát, đi bảo hộ ngầm thánh tăng, ngày nay thánh tăng đã mãn hạnh, Bồ Tát đã trao trả lệnh chỉ của Phật tổ, chúng tôi xin Bồ Tát cho chúng tôi được nộp trả lại pháp chỉ.

Bồ Tát rất mừng nói:

- Cho phép trả, cho phép trả!

Người lại hỏi:

- Trong khi đi đường, tâm trí, nết na, bốn thầy trò Đường Tăng ra thế nào?

Các thần nói:

- Quả là lòng thành trí thực, thế nào mà Bồ Tát chả xét thấy rõ. Có điều là Đường Tăng gặp nhiều khổ sở không thể nói ra được. Trong lúc đi đường trải qua biết bao là tai ương hoạn nạn, đệ tử đã ghi chép cẩn thận tất cả tai nạn của người vào một quyển sổ.

Bồ Tát xem từ đầu đến cuối, thấy viết rõ:

Pháp chỉ sai quy y yết đế, ghi tường tai nạn của Đường Tăng. Nạn thứ 1: Kim Thuyền bị đuổi. Nạn thứ 2: ra đời hút chết. Nạn thứ 3: đầy tháng quăng sông. Nạn thứ 4: tìm mẹ báo oan: Nạn thứ 5: ta thành gặp hổ. Nạn thứ 6: ngã xuống dưới hố. Nạn thứ 7: trên núi Song Xoa. Nạn thứ 8: Đầu non Lưỡng Giới. Nạn thứ 9: đổi ngựa khe sâu. Nạn thứ 10: ban đêm bị đốt. Nạn thứ 11: mất áo cà sa. Nạn thứ 12: thu hàng Bát Giới. Nạn thứ 13: gặp quái Hoàng Phong. Nạn thứ 14: phải mời Linh Cát. Nạn thứ 15: qua sông Lưu Sa. Nạn thứ 16: thu được Sa Tăng. Nạn thứ 17: bốn thánh hóa phép. Nạn thứ 18: trong quán Ngũ Trang. Nạn thứ 19: chữa sống nhân sâm. Nạn thứ 20: Ngộ Không bị đuổi. Nạn thứ 21: lạc rừng Hắc Tùng. Nạn thứ 22: thư nước Bảo Tượng. Nạn thứ 23: hóa hổ trên đền. Nạn thứ 24: gặp ma núi Bình Đính. Nạn thứ 25: bị treo ở động Liên Hoa. Nạn thứ 26: cứu vua nước Ô Kê. Nạn thứ 27: bị ma hóa thân. Nạn thứ 28: núi Hiệu gặp quái. Nạn thứ 29: gió cuốn thánh tăng. Nạn thứ 30: Ngộ Không gặp hại. Nạn thứ 31: mời thánh bắt yêu. Nạn thứ 32: chìm xuống Hắc Hà. Nạn thứ 33: chuyển vận nước Xa Trì. Nạn thứ 34: đánh cuộc được thua. Nạn thứ 35: bỏ đạo kính tăng. Nạn thứ 36: đi gặp lụt lớn. Nạn thứ 37: chìm xuống Thiên Hà. Nạn thứ 38: hiện ra lồng cá. Nạn thứ 39: gặp quái núi Kim Đâu. Nạn thứ 40: thiên thần khó thắng. Nạn thứ 41: hỏi nguồn gốc thật. Nạn thứ 42: uống nước bị độc. Nạn thứ 43: nữ chủ Tây Lương muốn lấy. Nạn thứ 44: động Tì Bà. Nạn thứ 45: lại đuổi Ngộ Không. Nạn thứ 46: khó phân loại vượn. Nạn thứ 47: nghẽn đường Hỏa Diệm Sơn. Nạn thứ 48: mượn quạt Ba Tiêu. Nạn thứ 49: bắt được Ngưu Ma Vương. Nạn thứ 50: quét tháp thành Tái. Nạn thứ 51: lấy báu cứu sư. Nạn thứ 52: ngâm thơ rừng Kinh Cức. Nạn thứ 53: tiểu Lôi m gặp nạn. Nạn thứa 54: chư thần phải khốn. Nạn thứ 55: nghẽn lối Rặng Thị. Nạn thứ 56: chữa bệnh vua nước Chu Tử. Nạn thứ 57: cứu chữa gầy còm. Nạn thứa 58: bắt ma cứu hoàng hậu. Nạn thứ 59: tình dục làm mê. Nạn thứ 60: thần nhiều mắt bị thương. Nạn thứ 61: núi Sư Đà nghẽn lối. Nạn thứ 62: ma chia ba sắc. Nạn thứ 63: gặp nạn trong thành. Nạn thứ 64: mời Phật bắt ma. Nạn thứ 65: cứu trẻ nước Tỳ Kheo. Nạn thứ 66: phân rõ thực giả. Nạn thứ 67: gặp quái rừng thông. Nạn thứ 68: mắc bệnh nơi buồng sưa. Nạn thứ 69: phải khốn ở động Không Đáy. Nạn thứ 70: bị nạn ở nước Diệt Pháp. Nạn thứ 71: gặp ma núi Ẩn Vụ. Nạn thứ 72: cầu mưa quận Phượng Tiên. Nạn thứ 73: mất đồ binh khí. Nạn thứ 74: hội mừng Đinh Ba. Nạn thứ 75: gặp nạn ở núi Trúc Tiết. Nạn thứ 76: chịu khổ ở núi Huyền Anh. Nạn thứ 77: đuổi bắt tê ngưu. Nạn thứ 78: nước Thiên Trúc kén rể. Nạn thứ 79: bị giam ở phủ Đồng Đài. Nạn thứ 80: thoát thai ở bến đò Lăng Vân.

Đường dài mười vạn tám nghìn dặm, tai nạn Đường Tăng chép rõ ràng.

Bồ Tát xem qua sổ chép tai nạn một lượt, truyền bảo rằng:

Trong đạo Phật “chín lần chín” mới đủ. Thánh tăng mới chịu có tám mươi nạn, còn thiếu một nạn, chưa đủ số ấy.

Liền sai Yết Đế đuổi theo Kim Cương, gây ra thêm một nạn nữa.

Các vị Yết Đế vâng lệnh, cưỡi từng mây bay về phương đông. Suốt một đêm một ngày đã theo kịp tám vị Đại Kim Cương, ghé vào tai nói nhỏ:

- Như thế… như thế… theo đúng pháp chỉ của Bồ Tát, không được trái.

Tám vị Kim Cương nghe lời, xua luồng gió đè thấp xuống buông cả bốn người ngựa lẫn kinh rơi xuống tận đất. Chính thực là:

Chín chín khó khăn tròn đạo hạnh.

Bền lòng giốc chí dựng cơ huyền.

Dày công tu luyện, tà ma diệt.

Gắng sức tu hành, chính đạo chuyên.

Chớ bảo kinh chương là dễ dãi,

Mới hay tai nạn kéo liên miên.

Xưa nay hòa hợp đều nên việc,

Lầm lỡ đan kia khó nấu nên.

Tam Tạng chân giẫm lên đất phàm trần, tự thấy lo sợ, Bát Giới khanh khách cười to nói:

- Tốt! Tốt! Tốt! Thế mới thực muốn nhanh hóa chậm.

Sa Tăng nói:

- Tốt! Tốt! Tốt! Chỉ vì chúng mình đi nhanh quá đấy mà! Cho chúng mình nghỉ lại một tý chứ!

Đại thánh nói:

- Tục ngữ có câu: “Mười ngày ngồi đầu bến, một ngày đi chín bến”.

Tam Tạng nói:

- Ba chúng con đừng cãi vã nhau nữa, nhìn phương hướng xem, ở đây là xứ sở nào?

Sa Tăng ngẩng đầu nhìn bốn phía rồi nói:

- Là ở đấy! Là ở đấy! Sư phụ, người nghe tiếng nước reo đấy chứ?

Hành Giả nói:

- Tiếng nước reo có lẽ là đất tổ nhà chú đấy.

Bát Giới nói:

- Đất tổ nhà chú ấy là sông Lưu Sa.

Sa Tăng nói:

- Không phải, không phải, đây là sông Thông Thiên.

Tam Tạng nói:

- Đồ đệ ạ, coi kỹ xem ta ở bờ bên nào?

Hành Giả vươn mình nhảy lên, lấy tay che trên trán, nhìn kỹ một lúc rồi bước xuống nói:

- Đây là bờ bên tây sông Thông Thiên.

Tam Tạng nói:

- Ta đã nhớ ra rồi. Bờ bên đông xưa là Trần Gia Trang, năm xưa đi đến đấy, nhờ các con cứu được con cái họ, họ cảm ơn sâu chúng mình, định đóng thuyền tiễn đưa, nhưng may có con rùa đưa ta qua sông. Ta nhớ rằng bờ bên tây không có người ở, bây giờ biết làm thế nào?

Bát Giới nói:

- Cứ bảo người phàm mới biết làm hại, thế mà những vị kim cương đứng trước mặt Phật cũng biết làm hại mọi người. Họ vâng Phật chỉ, đưa chúng ta về phương đông, làm sao mới đi đến nửa đường đã quẳng cả chúng ta xuống đây, bây giờ mới thật là không đường lui tới, làm thế nào mà sang qua được?

Sa Tăng nói:

- Anh hai đừng oán trách, sư phụ nhà mình đã đắc đạo rồi. Trước đây ở bến đò Lăng Vân đã thoát được phàm thai, lần này hẳn không rơi xuống nước. Anh và tôi cùng sư huynh hãy dùng phép cắp người lên, đưa sư phụ cưỡi mây qua sông.

Hành Giả cứ tủm tỉm cười thầm nói:

- Không đi được! Không đi được!

Có biết tại làm sao Hành Giả lại nói là không đi qua được? Nếu cứ dùng phép thần thông, đem những điều huyền diệu về việc phi thăng, thì ngay hàng nghìn sông như thế, thầy trò cũng qua được. Chỉ vì Hành Giả đã thấy rõ ràng là cái số chín chín tám mươi mốt tai nạn của Đường Tăng chưa đủ, còn phải mắc nạn một lần nữa, do đó nên mới bị hãm ở đây.

Thầy trò miệng xì xào bàn tán, chân vẫn thủng thỉnh bước lên, thẳng đến lợi nước, chợt nghe thấy có tiếng kêu gọi:

- Đường thánh tăng! Đường thánh tăng! Đi lại đây! Đi lại đây!

Bốn người đều hoảng kinh. Ngửng đầu lên coi, chẳng thấy người đâu, thuyền bè cũng không. Té ra là một con rùa trắng kếch xù ở dưới sông ngóc đầu lên gọi bảo:

- Lão sư phụ, tôi đợi ngài ở đây đã mấy năm, bây giờ ngài mới trở về à?

Hành Giả cười nói:

- Chú rùa, năm trước quấy quả chú, năm nay lại gặp nhau ở đây.

Tam Tạng cùng Bát Giới, Sa Tăng đều vui vẻ khôn xiết.

Hành Giả nói:

- Chú rùa, nếu chú có lòng tiếp đãi, mời chú lên bờ.

Con rùa vươn mình bò lên bờ Hành Giả bảo dắt ngựa lên trên mình nó. Bát Giới ngồi xổm ở đằng đuôi ngựa, Đường Tăng đứng ngang đầu ngựa về bên tả, Sa Tăng đứng ở bên hữu, Hành Giả một chân giẫm lên cổ rùa, một chân giẫm lên đầu rùa và bảo:

- Chú rùa, bơi khéo cho yên ổn nhé!

Rùa choài cả bốn cẳng, lội nước như đi trên đất bằng. Cả bốn thầy trò người và ngựa là năm, ở trên mai rùa, được trở thẳng về bờ bên đông. Chính gọi là:

Đạo cả không hai rất diệu huyền.

Ma tà đánh bại, rõ người tiên.

Rỡ ràng mặt thực mừng nay hiện,

Trọn vẹn nguồn xưa mới thỏa nguyền.

Theo nghĩa tam thừa tùy lựa chọn,

Nấu đơn cửu chuyển đã chu tuyền.

Gậy bay, gói khác thôi đừng kể,

Mừng gặp rùa nay lại được yên.

Con rùa cõng bọn họ, rẽ dòng đè sóng, bơi lội chừng nửa ngày, trời đã sắp chiều, gần tới bờ bên đông, thình lình hỏi rằng:

- Thưa sư phụ, năm trước tôi có nhờ ngài khi sang Tây phương gặp phật tổ Như Lai, hỏi giùm cho một câu về hậu sự của tôi. Xem còn thọ được bao nhiêu năm nữa, ngài có hỏi giùm cho không?

Số là vị trưởng lão từ khi đến Tây Thiên, tắm gội ở quán Ngọc Chân, thoát thai ở bến Lăng Vân, bước tới Linh Sơn, một lòng bái Phật, cùng đi thăm chư phật bồ tát thánh tăng các vị, ý niệm dồn cả vào việc lấy kinh, chuyện khác không hề nghĩ tới, cho nên chẳng hỏi han gì đến tuổi thọ của con rùa. Bây giờ nghe rùa hỏi, Tam Tạng không nói làm sao được, nhưng lại không dám đánh lừa, không dám nói dối, bèn ngẫm nghĩ hồi lâu, không trả lời. Rùa biết hẳn Đường Tăng không hỏi giúp rồi, nên trằn nghiêng mình đi một cái, dìm mình xuống nước, làm cho cả bốn người lẫn ngựa và bao nhiêu kinh rơi cả xuống sông. Cũng còn may đấy! Đường Tăng nay đã thoát thai, đắc đạo rồi, nếu như lần trước sẽ chìm xuống đáy sông. Lại cũng may ngựa bạch là rồng, Bát Giới, Sa Tăng biết lội nước đấy. Hành Giả cười hể hả, trổ tài thần thông, đỡ Đường Tăng lên khỏi mặt nước, đến bờ bên đông, người ngựa không ai việc gì, chỉ có bao kinh, quần áo, yên cương là ướt.

Thầy trò lên đến bờ bên đông, hốt nhiên có một trận gió lốc, trời đất tối đen, sấm chớp sáng loáng, đá lở cát bay.

Tam Tạng hoảng sợ, đè chặt lấy bao kinh, Sa Tăng nén chặt lấy gánh kinh. Bát Giới nắm chắc lấy cương ngựa, Hành Giả hai tay cầm cây gậy sắt che đỡ hai bên tả hữu.

Số là gió mây sấm chớp ấy là do lũ âm ma làm hiệu, muốn ăn cướp những pho kinh mới lấy; cứ thế láo nháo suốt cả đêm, cho đến sáng rõ, mới yên lặng. Trưởng lão khắp mình ướt đẫm, run lập cập nói:

- Ngộ Không, bây giờ làm thế nào?

Hành Giả thở hồng hộc nói:

- Sư phụ, người không biết đấy thôi. Chúng tôi bảo hộ thầy lấy kinh thế này, là cướp công của trời đất, tạo hóa, có thể bền ví kiền khôn, sáng như nhật nguyệt, hưởng thọ lâu dài, pháp thân không nát, vì thế cho nên trời đất không dùng, quỷ thần đâm ghét, toan đến để cướp giật lấy. Một là những quyển kinh bị nước thấm ướt, hai là chính pháp thân thầy đè giữ lấy, sấm không đường giáng, sét hết lối soi, mây không chỗ phủ, lại có lão Tôn cầm gậy sắt, đem tính chấy thuần dương, hộ trì giữ lại, đến khi trời sáng, khí dương đã thịnh, cho nên chúng không cướp được.

Tam Tạng, Bát Giới, Sa Tăng mới biết rõ đều tạ ơn khôn xiết. Chốc đã mặt trời mọc cao, mọi người đưa kinh sách lên trên sườn núi cao, mở bao ra phơi, chỗ đá phơi kinh ở đấy đến nay hãy còn. Mọi người cởi cả quần áo phơi ở bên cạnh, kẻ đứng, người ngồi, kẻ thì nhảy nhót. Chính thực là:

Tất cả thuần dương gặp mặt trời

Ma âm không dám quấy lôi thôi.

Cho hay nước có dìm kinh ướt

Chẳng sợ cuồng phong cuốn dập vùi.

Từ đấy thanh bình về chính quả

Mà nay yên ổn cõi tiên chơi.

Phơi kinh trên đá còn ghi dấu,

Nghìn kiếp yêu ma chẳng tới nơi.

Thầy trò kiểm soát kinh sách, nhất nhất phơi phóng lại, chợt thấy có mấy người đánh cá, đi ở dưới bờ sông, ngửng đầu lên nhìn, trong bọn có người nhận được nói:

- Lão sư phụ, có phải năm xưa người đã sang qua sông này đi lấy kinh không?

Bát Giới nói:

- Chính phải! Chính phải! Các chú là người nào? Tại sao lại biết chúng tôi?

Người đánh cá nói:

- Chúng tôi là người ở Trần Gia Trang.

Bát Giới nói:

- Trần Gia Trang cách đây bao nhiêu xa?

Người đánh cá nói:

- Qua đây đi về bên nam độ hai mươi dặm sẽ tới nơi.

Bát Giới nói:

- Sư phụ ạ, chúng mình đem kinh đến Trần Gia Trang mà phơi. Ở nhà họ có chỗ ngồi, lại được ăn cơm, nhờ họ giặt hộ cả quần áo nữa!

Tam Tạng nói:

- Không nên đi, cứ phơi ở đây thôi, còn thu xếp tìm lối về chứ.

Mấy người đánh cá ấy, đi về đường bên nam, vừa hay gặp Trần Trừng, liền bảo:

- Ông sư phụ làm đồ tế thay cho con nhà ông năm trước đã trở lại đấy.

Trần Trừng nói:

- Trông thấy ở đâu?

Người đánh cá trỏ tay trở lại nói:

- Đương ngồi phơi kinh ở trên sườn đá kia kìa!

Trần Trừng dẫn theo mấy người điền hộ, đi qua đường chạy đến tận nơi quỳ xuống nói:

- Lão gia lấy kinh đã về, công thành hạnh mãn, sao ngài không quá bộ lại nhà, bày biện ở đây làm gì? Mời ngài về ngay đằng nhà tôi!

Hành Giả nói:

- Để phơi ráo kinh, sẽ đi với ông.

Trần Trừng lại hỏi rằng:

- Quần áo, kinh điển của lão gia sao lại ướt cả thế?

Tam Tạng nói:

- Năm xưa nhờ được rùa trắng trở sang bờ bên kia, năm nay lại nhờ y trở về bên này, khi gần đến bờ, y hỏi đến việc y nhờ tôi hỏi Phật về tuổi thọ của y, tôi quên nhãng không hỏi, y liền lặn xuống nước, vì thế tôi ướt hết cả.

Rồi đem các việc trước nói cả lại một lượt.

Trần Trừng cầu mời tha thiết, Tam Tạng không biết làm thế nào, phải thu nhặt kinh quyển lại, không dè mấy quyển Phật bản Hạnh kinh dính chặt vào đá, rách mất mấy tờ ở cuối quyển, cho nên bây giờ bản Hạnh kinh không đủ được toàn bộ, chỗ đá phơi kinh vẫn còn dấu vết. Tam Tạng hối hận nói:

- Cũng vì mình trễ nải, không săn sóc cẩn thận!

Hành Giả cười nói:

- Không phải thế! Không phải thế! Trời đất còn chẳng trọn vẹn nữa là! Bộ kinh này vốn trước trọn vẹn nay bị dính rách, đó là việc huyền diệu, sức người giữ thế nào được!

Thầy trò thu nhặt đâu đấy, rồi cùng Trần Trừng về trang. Những người ở trong trang, một truyền mười, mười truyền trăm, từ già chí trẻ, đều đến đón chào. Trần Thanh nghe nói, bày hương án ở ngay ngoài cửa tiếp đón, lại sai đánh trống thổi kèn. Lát sau Đường Tăng tới nơi, đón vào. Trần Thanh dẫn đến hết gia quyến ra bái kiến, cảm tạ công ơn cứu con gái ngày trước, rồi sai người pha trà sửa cơm chay.

Tam Tạng từ khi được hưởng tiên phẩm, tiên hào của Phật tổ, lại trút hết phàm thai thành Phật rồi, không còn nghĩ gì đến thức ăn của phàm trần nữa Hai ông già nằn nì khuyên mời, bất đắc dĩ Tam Tạng cũng phải chiều ý. Tôn Hành Giả từ buổi không ăn những thứ nấu nướng nữa, cũng nói:

- Xin đủ!

Sa Tăng cũng không ăn bao nhiêu, Bát Giới cũng không như khi trước, buông đũa bát xuống ngay.

Hành Giả nói:

- Chú ngốc không ăn nữa ư?

Bát Giới nói:

- Không biết thế nào, tì vị bây giờ bị yếu đi!

Rồi đó thu hết trai bàn, ngồi hỏi công việc lấy kinh. Tam Tạng đem hết các việc ở quán Ngọc Chân được tắm gội, qua bến Lăng Vân được nhẹ mình, kịp khi đến chùa Lôi m ra mắt Như Lai được ăn yến ở lầu ngọc, truyền kinh nơi gác báu, lần đầu bị hai tôn giả đòi ăn lễ không được, cho nên truyền cho kinh không có chữ, sau trở lại lạy Như Lai, mới được trao cho một tạng kinh, cả những chuyện rùa dìm xuống nước, ma thiêng chực cướp ngầm, nói lại rõ ràng một lượt. Đoạn xin từ biệt.

Cả nhà hai ông già, nhất định không nghe, cứ nói:

- Ơn sâu cứu cháu bé trước kia, chúng tôi chưa báo đền được nên trước đã xây dựng một ngôi chùa nhỏ, gọi là chùa Cứu Sinh, hương hoa thờ cúng không bao giờ dứt.

Nói đoạn lại gọi con trai, con gái đã không phải làm đồ tế hồi trước là Trần Quan Bảo, Nhất Xứng Kim đến lạy tạ, sau đó mời Tam Tạng đi xem chùa. Tam Tạng sai mang những bó kinh để vào trong nhà, đọc cho nhà họ một quyển kinh Bảo thường. Vào đến trong chùa, đã thấy nhà họ Trần đặt cơm ở đấy, chưa kịp ngồi xuống, đã có một nhóm khác đền mời chưa kịp bưng bát đũa, một nhóm người nữa lại đến, liên tiếp không ngớt. Tam Tạng không dám từ chối, phải chiều ý ăn qua loa.

Tam Tạng nhìn ngôi chùa làm, rất tề chỉnh rồi đi lên lầu cao, quả thấy có đắp tượng bốn thầy trò.

Bát Giới trông thấy níu Hành Giả nói:

- Pho tượng của huynh trưởng nom rất giống.

Sa Tăng nói:

- Anh hai ạ, pho tượng của anh càng giống hơn, chỉ có tượng sư phụ đẹp hơn người thực.

Tam Tạng nói:

- Vật tốt! Vật tốt!

Mọi người đi xuống dưới lầu.

Hành Giả hỏi chuyện:

- Cái miếu đại vương ngày trước ra làm sao?

Mấy ông già nói:

- Đã phá ngay đi từ ngày ấy. Thưa lão gia, từ khi dựng ngôi chùa này, năm nào mùa cũng bội thu, đó là nhờ có lão gia ban phúc cho.

Hành Giả cười nói:

- Đấy là trời cho, chúng tôi có dự gì! Có điều từ nay trở đi, chúng tôi sẽ cho mọi nhà ở trong trang đây được con cháu thêm nhiều, súc vật phồn thịnh, năm năm gió hòa mưa thuận, đời đời biển lặng sông trong.

Mọi người khấu đầu tạ ơn.

Lại đã thấy trước sau tấp nập, người đông vô hạn, nào người cúng quả, nào kẻ dâng trai.

Bát Giới cười nói:

- Khi chúng tôi còn lận đận, lúc bấy giờ ăn được, nào có ai mời ăn mời uống đâu. Ngày nay ăn không được, thì chưa xong nhà này, lại tiếp nhà kia!

Mọi người tuy đã no, nhưng cứ phải ăn qua loa, ăn liền đến tám chín mâm cơm chay, hai ba mươi cái bánh. Đã no kềnh bụng, vẫn còn nhiều người đến mời.

Tam Tạng nói:

- Đệ tử có tài gì, được các vị đoái tới. Chiều nay xin tạm nghỉ, sớm mai sẽ xin lĩnh.

Trời đã khuya, Tam Tạng giữ lấy chân kinh, không dám bỏ rời, phải ngồi ngay bên cạnh đèn ở dưới lầu để coi giữ. Gần đến canh ba, Tam Tạng khe khẽ gọi Hành Giả, bảo:

- Ngộ Không, những nhà ở đây, biết rằng chúng mình thành, việc xong rồi. Xưa có câu: “Người hay không lộ tướng, lộ tướng chẳng người hay”, ta nấn ná ở đây, sợ lỡ việc lớn.

Hành Giả nói:

- Sư phụ nói rất phải, nhân lúc canh khuya, mọi người, chúng mình lẳng lặng kéo nhau đi.

Bát Giới cũng đã thức giấc, Sa Tăng vừa mới tỉnh ra, ngựa bạch cũng hiểu ý, cùng nhau đứng dậy, nhẹ nhàng bắc thồ lên mình ngựa, quẩy gánh, theo hành lang đi ra tới cửa chùa, đã thấy cửa chùa khóa chặt chẽ.

Hành Giả làm phép giải tỏa, mở lần cửa thứ hai, đến lần cửa thứ nhất, tìm lối trở về phương đông. Đã nghe thấy có tám vị đại kim cương ở trên lưng chừng trời bảo:

- Những người đi trốn, hãy theo chúng tôi!

Chưa biết gặp vua Đường sẽ làm thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.
 

【Tây Du Ký】Hồi thứ một trăm

Về thẳng phương Đông
Năm thánh thành Phật


Hãy gác chuyện bốn người thoát thân, theo các vị Kim Cương cưỡi gió mà đi. Đây nói việc nhiều người trong chùa Cứu Sinh ở Trần Gia Trang, sáng sớm trở dậy, lại vẫn hái quả làm bữa, đến dưới lầu, không thấy Đường Tăng. Kẻ này chạy đến hỏi, người kia chạy đến tìm, ai nấy hoảng hốt sờ hãi không biết làm thế nào, kêu ầm trời lên nói:

- Thế là để mấy vị hoạt Phật đi mất rồi!

Một hồi lâu không còn cách nào, họ đành phải đem những phẩm vật đã chu biện khênh cả lên trên lầu, đốt giấy tiền tế lễ. Từ đấy về sau cứ mỗi năm lại cử hành bốn lần đại tế, hai mươi bốn lần tiểu tế. Lại còn những người cầu bệnh; những kẻ cầu bình an, cầu thân, phát nguyện, cầu của, cầu con trai, chẳng lúc nào vắng. Chính thực là: lô vàng nghìn thuở hương còn ngát, phao ngọc muôn năm lửa chẳng mờ.

Nói về tám vị Đại Kim Cương, làm hai trận gió thơm, đưa bốn thầy trò Đường Tăng trở về Đông Thổ, dần dần đã trông thấy Trường An.

Số là vua Thái Tôn tiễn chân Đường Tăng ra thành vào ba hôm trước hôm rằm tháng chín, niên hiệu Trinh Quán thứ mười ba, đến năm thứ mười sáu, sắc sai quan công bộ xây một tòa “Vọng Kinh Lầu” để đón kinh ở cửa Tây An. Hằng năm vua Thái Tôn ra ngự nơi đó. Một ngày kia xa giá vua vừa ra đến trên lầu, chợt trông thấy giữa phương tây mây đẹp đầy trời, gió thơm thổi lộng, các vị Kim Cương đứng ở trên không gọi to:

- Thánh tăng ạ, đây là thành Trường An rồi! Chúng tôi không tiện xuống, người ở đấy tinh khôn, sợ làm tiết lộ hình tượng chúng tôi. Tôn đại thánh ba vị cũng không cần phải xuống, chỉ một mình ngài xuống trao kinh trả lại nhà vua, rồi lại trở về ngay. Chúng tôi đợi ngài ở trên từng mây này, cùng trở về trả lệnh chỉ một thể.

Hành Giả nói:

- Lời tôn giả nói cũng đúng đấy, nhưng thầy tôi quẩy thế nào được gánh kinh, lại dắt thế nào được ngựa nữa! Phải có chúng tôi cùng đưa người xuống. Các vị ở trên không đợi một chút, không dám để lỡ.

Kim Cương nói:

- Hôm trước Bồ Tát đã bạch với Như Lai vừa đi vừa về chỉ có tám ngày, hôm nay đã quá bốn ngày rồi, chỉ sợ Trư Bát Giới tham mỗi giàu sang, làm lỡ mất kỳ hạn.

Bát Giới cười nói:

- Sư phụ thành Phật, tôi cũng mong thành Phật, còn tham lam gì nữa! Các ông hãy đợi cả chúng tôi ở đây, trao trả kinh xong, sẽ cùng các ông quay hướng cùng về.

Nói đoạn chú ngốc quẩy gánh lên, Sa Tăng dắt ngựa bạch, Hành Giả đưa Đường Tăng dừng từng mây lại, bước cả xuống bên lầu Vọng Kinh.

Vua Thái Tôn cùng các quan mọi người trông thấy, vội vã xuống lầu đón tiếp nói:

- Ngự đệ đã về!

Đường Tăng cúi mình lạy xuống.

Thái Tôn đỡ dậy, lại hỏi:

- Ba người này là ai?

Đường Tăng nói:

- Đây là những đồ đệ thu đuợc ở dọc đường.

Thái Tôn rất mừng, truyền các quan hầu:

- Đem con ngựa ở xe của trẫm đóng yên cương vào, mời ngự đệ cưỡi lên, về triều cùng với trẫm.

Đường Tăng tạ ơn rồi lên ngựa. Đại thánh cầm gậy như ý theo rịt bên cạnh. Bát Giới, Sa Tăng dắt ngựa và quẩy gánh cùng theo xa giá về Trường An. Thực là:

Năm nào vui dự yến thăng bình

Văn võ hai hàng rõ hiến vinh.

Thúy lục đàn chay sư giảng pháp,

Kim Loan điện ngọc chúa sai mình.

Tên ghi văn điệp Đường Tam Tạng,

Kinh chép nguyên nhân đủ ngũ hành.

Chịu khó tu trì ma chướng hết

Công thành trở lại chốn thần kinh.

Bốn thầy trò Đường Tăng theo vua vào triều. Khắp trong thành không một người nào là không biết tin người đi lấy kinh đã về.

Lại nói các nhà sư trong chùa Hồng Phúc là nơi Đường Tăng trụ trì hồi còn ở Trường An, trông thấy một nhóm cây thông, cây nào cây ấy quay cả về phía Đông, đều kinh ngạc nói:

- Quái lạ! Quái lạ! Đêm vừa qua không hề có gió, ngọn cây tại sao lại ngoẹo cả đi thế kia!

Trong bọn có người đồ đệ cũ của Tam Tạng nói:

- Mặc ngay quần áo vào, sư phụ già đi lấy kinh đã về đấy.

Các sư hỏi:

- Tại sao chú biết hử?

Người đồ đệ cũ nói:

- Năm xưa sư phụ khi ra đi, đã có nói rằng: “Sau khi ta đi hoặc dăm ba năm, hoặc sáu bảy năm, hễ bao giờ thấy những cành thông hướng về bên Đông, là ta về đấy”. Sư phụ mình là bực miệng Phật lời thánh, cho nên mới biết.

Mọi người mặc áo đi ra, vừa đến phố đằng tây, đã thấy có người kháo nhau:

- Người đi lấy kinh vừa mới về đến đây, nhà vua đón vào trong thành rồi.

Các sư nghe nói, vội vàng chạy đi theo, may ra được gặp. Khi thấy xe vua, không dám tới gần, liền theo sau đến ngoài cửa triều môn. Đường Tăng xuống ngựa, cùng mọi người vào trong triều, đem long mã và gánh kinh sách cùng với Hành Giả, Bát Giới, Sa Tăng đứng cả ở dưới thềm ngọc. Thái Tôn truyền lệnh mời ngự đệ lên điện, cho ngồi. Tam Tạng cảm ơn ngồi xuống, sai mang những quyển kinh lên. Bọn Hành Giả lấy ra, các quan hầu cận chuyển lên. Thái Tôn lại hỏi:

- Nhiều kinh như thế, làm thế nào mà đưa về?

Tam Tạng nói:

- Nhà sư tôi đến Linh Sơn, ra mắt Phật tổ, hai vị tôn giả A Nan, Ca Diếp, trước dẫn đến lầu ngọc cho ăn cơm chay, sau đưa đến gác báu giao kinh cho; vị tôn giả đó đòi lễ, vì không biện kịp, không có gì đưa, nhưng y cũng lấy kinh ra cho. Đến khi tạ ơn Phật tổ, trở về bên Đông, bỗng đâu yêu ma đến cướp lấy kinh, may có đồ đệ hóa phép thần thông đuổi cướp lại, bị nó vứt tung vứt té, nhân tiện mở ra xem, thấy toàn là kinh không có chữ, lũ chúng tôi sợ hãi, trở lại lạy xin tha thiết. Phật tổ nói: “Cái hồi kinh vừa chép xong, có vị Tỳ Kheo thánh tăng đem xuống núi tụng cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ một lượt, phù hộ cho nhà ấy người sống được an toàn, kẻ mất được siêu thăng, chỉ lấy có ba đấu ba thăng vàng cốm, ý người còn cho là bán rẻ, con cháu sau này lấy tiền đâu mà tiêu dùng. Lũ hạ thần biết rằng Phật tổ biết rõ việc hai vị tôn giả đòi ăn lễ, đành phải đem cái bát tộ bằng vàng tía vua ban biếu họ, họ mới chịu truyền cho bộ chân kinh có chữ. Pho kinh này có ba mươi lăm bộ. Mỗi bộ lấy ra mấy quyển giao cho. Tổng cộng là năm nghìn linh bốn mươi tám quyển. Số ấy vừa đúng một tạng đấy.

Thái Tôn càng mừng, truyền:

- Quang lộc tự đặt tiệc tại điện Đông Các để tạ ơn ngự đệ.

Nhà vua chợt nhìn thấy ba vị đồ đệ đứng ở dưới thềm, dùng mạo khác thường, liền hỏi:

- Các vị cao đồ là người ngoại quốc cả chứ?

Trưởng lão phủ phục nói:

- Đại đồ đệ họ Tôn, pháp danh là Ngộ Không, hạ thần lại gọi y là Tôn Hành Giả. Y vốn xuất thân là người ở Đông Thắng Thần châu, nước Ngạo Lai, núi Hoa Quả, động Thủy Liêm. Năm trăm năm trước đây vì đại náo thiên cung, bị Phật tổ giam hãm vào trong hộp đá dưới chân núi Lưỡng Giới ớ bên Tây Phiên, đội ơn Quan m Bồ Tát khuyến thiện, giốc lòng theo đạo, hạ thần đến đấy cứu ra, rất nhờ cậy ở sức đồ đệ ấy đi bảo hộ. Nhị đồ đệ họ Trư, pháp danh là Ngộ Năng, hạ thần lại gọi là Trư Bát Giới. Y xuất thân nguyên là người ở núi Phúc Lăng, động Vân Sạn, vì làm yêu quái ở Cao Lão trang nước Ô Tư Tạng, cũng ơn Bồ Tát khuyến thiện, nhờ Hành Giả thu phục. Trong khi đi đường thừa sức gánh gồng, dày công bơi lội. Tam Đồ Đệ họ Sa, pháp danh là Ngộ Tĩnh, hạ thần lại gọi là Sa hòa thượng, xuất thân vốn là yêu quái ở sông Lưu Sa. Cũng ơn Bồ Tát khuyến thiện, theo đạo Sa Môn. Con ngựa này cũng không phải con ngựa bệ hạ đã ban cho trước.

Thái Tôn nói:

- Vẫn hình sắc ấy, sao lại không phải?

Tam Tạng nói:

- Hạ thần đến núi Xà Bàn, lội qua khe Ưng Sầu, con ngựa trước bị con ngựa này nuốt chửng mất, nhờ có Hành Giả mời Bồ Tát trả lai lịch, con ngựa ấy, nguyên là con vua Tây Hải. Long Vương bị tội, cũng ơn Bồ Tát cứu thoát, bắt y biến làm con ngựa cho hạ thần, dọc đường nhờ vào sức y rất nhiều.

Thái Tôn nghe nói, ngợi khen khôn xiết, lại hỏi:

- Đi sang phương Tây, mất tất cả bao nhiêu dặm đường?

Tam Tạng nói:

- Theo lời Bồ Tát nói trước, đường xa tới mười vạn tám nghìn dặm, dọc đường không ghi chép được, chỉ biết rằng đã trải qua mười bốn lần nóng rét. Ngày ngày lên núi, ngày ngày trèo non, qua bao rừng thẳm, gặp mấy sông sâu, đi qua kể đã nhiều nước, đều có ấn tín xét nghiệm.

Nói đoạn liền gọi:

- Đồ đệ, lấy thững quan văn điệp đệ lên đây, nộp trả lại nhà vua.

Lúc đệ lên, Thái Tôn nhìn xem thấy là giấy cấp ba ngày trước hôm rằm tháng chín năm Trinh Quán thứ mười ba Thái Tôn cười nói:

- Đi xa xôi lặn lội lâu năm khó nhọc, nay đã đến năm Trinh Quán thứ hai mươi bảy.

Trên tờ điệp có đóng ấn nước Bảo Tượng, nước Ô Kê, nước Xa Trì, nước Tây Lương, nước Tế Trại, nước Chu Tử, nước Tỳ Kheo, nước Diệt Pháp, lại có cả ấn quận Phượng Tiên, châu Ngọc Hoa, phủ Kim Bình nữa. Thái Tôn xem xong thu lấy.

Lúc ấy đã thấy quan đương giá mời đi ăn yến, vua liền khoác tay Đường Tăng cùng đi xuống điện và hỏi:

- Các vị cao đồ có biết lễ phép không?

Tam Tạng nói:

- Bọn tiểu đồ đều là yêu ma ở những nơi đồng hoang núi trọi, chưa biết lễ giáo của thánh triều bên Trung Hoa ta. Muôn trông bệ hạ tha tội!

Thái Tôn cười nói:

- Không bắt tội, không bắt tội. Mời cả đến điện Đông Các cùng ăn yến.

Tam Tạng cảm ơn rồi gọi cả ba người, đều lên trên gác coi xem, quả là nước Trung Hoa Đại Quốc, nước tầm thường không thể sánh bì.

Cả bốn thầy trò cùng các quan văn võ, đều đứng hầu ở cả hai bên tả hữu. Thái Tôn Hoàng Đế ngồi ngay chính giữa. Múa hát đàn sáo, tề chỉnh nghiêm trang, vui chơi một ngày ròng, thực là:

Quân vương mở hội sánh Đường, Ngu

Lấy được chân kinh phúc có thừa.

Nghìn thuở lưu truyền, nghìn thuở thịnh

Ánh vàng Phật rọi sáng ngôi vua.

Đến chiều hôm ấy tan tiệc tạ ơn, Thái Tôn về cung, các quan về nhà. Bọn Đường Tăng về ở chùa Hồng Phúc, các sư trong chùa rập đầu đón tiếp. Các sư vừa đi vào cửa vừa nói:

- Thưa sư phụ, những ngọn cây này sáng hôm nay tự nhiên hướng về bên Đông, chúng con nghĩ nhớ những lời sư phụ, ra ngoài thành đón tiếp, quả nhiên sư phụ đã về.

Tam Tạng vui mừng khôn xiết, vào trong phương trượng. Lúc đó Bát Giới cũng không ăn uống gì, cũng chẳng hề làm ồn ào. Hành Giả, Sa Tăng, ai nấy thận trọng, đều là nhờ đạo quả đã hoàn chỉnh, tự nhiên được yên tĩnh. Đêm hôm ấy ngủ yên.

Sáng hôm sau Thái Tôn ra triều, nói với quần thần rằng:

- Trẫm nghĩ đến công của ngự đệ rất sâu rất lớn, chẳng biết lấy gì đền bù, cả đêm không ngủ, miệng đọc mấy câu nôm na, tạm tỏ ý cảm tạ, nhưng chưa viết ra.

Liền gọi quan Trung Thư đến truyền:

- Trẫm sẽ đọc từng câu, nhà ngươi chép hết lại cả.

Bài văn rằng:

“Thường nghe lưỡng nghi có hình tượng hiển hiện ra che chở bao hàm cả quần sinh; bốn mùa không hình dùng, lặng lẽ thay nóng rét để nuôi hóa muôn vật. Cho nên nhìn trời soi đất, người tầm thường đều biết rõ được nguồn; sáng âm, suốt dương, bậc hiền triết ít suy ra cùng số. Thế thì trời đất bao gồm âm dương mà dễ biết được là vì có hình tượng: âm dương ở trong trời đất mà khó suy cùng là vì vô hình dùng vậy. Cho nên mới biết hình tượng hiển hiện rõ ràng, tuy người không còn ngờ vực; vô hình lần đi khó thấy, dẫu trí vẫn có khi mê Huống hồ đạo Phật chuộng hư không, đi vào u minh, giữ lấy tịch mịch. Rộng giúp muôn loài, giữ trị thập phương. Nâng uy linh lên trên hết, nén sức thần không đâu bằng. Lớn bao trùm cả vũ trụ, nhỏ thu lại như tóc tơ. Vô diệt, vô sinh, trải nghìn kiếp mà vẫn trẻ; như ẩn như hiện, vận trăm phúc mà mời nguyên. Đạo lớn u huyền, đi theo không biết đến đâu cùng cực; dòng pháp, tịch mịch, ôm lấy khó lường được gốc nguồn. Thế nên những kẻ tầm thường, bo bo ngu xuẩn, chạy theo ý chỉ, có thể nào không nghi hoặc được ư? Nguyên đạo lớn nổi lên bắt đầu từ Tây Thổ, soi rõ mộng; vượt sang sân nhà Hán chiếu dòng từ, suốt tới cõi phương đông. Đời xưa khi mới chia hình chia dấu, lời nói chưa chạy xa cũng thành giáo hóa; đương lúc thường hiện thường ẩn, dân đã mộ đức mà biết đến đạo nguồn. Kịp đến khi bóng tối lần theo chân lý thay đổi qua các đời, ánh vàng che sắc, không soi ánh sáng ba nghìn; tượng đẹp mở tranh ngay ngắn chân dùng bốn tám. Do đó chân ngôn truyền rộng, vớt loài chim ở cả ba đường; đi huấn tuyên xa, dẫn quần sinh khắp trông mười cõi. Phật có kinh đã chia ra đại, tiểu thừa; lại có pháp truyền ngoa cái thuật tà, chính. Nhà pháp sư Huyền Trang của ta là đứng đầu trong pháp môn, tuổi nhỏ cẩn thận siêng năng, sớm giác ngộ công quả ba không, lớn lên thần thông thấu suốt, trước đã bao hàm hành vi bốn nhịn, gió thông trăng nước, chưa đủ sánh với tinh hoa; móc tiên, ngọc châu, khó thể so bì cốt cách! Cho nên đem trí tuệ không lụy, thần thông chưa hình, vượt sáu cõi mà xuất trần, thật nghìn đời không đối thủ. Lòng thương phép chính chậm thông, riêng tiếc văn kinh sai suyễn; những muốn xét rõ điều lý, mở rộng đường kiến văn trước; định lại giả chân, mở lối cho kẻ học sau. Cho nên lòng mong tịnh độ, quyết sang Tây Thiên. Muôn dặm non sông, dẹp khói mây mà tiến bước; trăm tầng nóng lạnh, giẫm mưa gió mà xông lên. Khinh lao khổ, trọng lòng thành, đòi hòi cao, nguyện vọng đạt. Chu du Tây Thổ, mười bốn năm ròng. Đi hết nước ngoài, hỏi tìm chính giáo. Vườn Linh Sơn nếm đạo xem hoa, ngọn núi Thứu, ngưỡng kỳ mộ lạ. Vâng lời chí ngôn của tiên thánh, nhận lời dạy thực ở đại hiền. Đạo ba thừa sáu luật rong ruổi ở ruộng lòng; văn một tạng trăm hòm sóng gió ở miệng bể. Thành thử từ các nước đã trải qua vô cùng, lấy được kinh còn vô số hạn. Tổng cộng được văn đại thừa cốt yếu gồm ba mươi lăm bộ, tất cả 5048 quyển, dịch ra ban khắp Trung Hoa, tuyên dương đức nghiệp to lớn. Đưa mây lành ở Tây Cực, tưới mưa pháp ở Đông Phương, thánh giáo khuyết mà lại tròn, dân đen tội mà được phúc. Dập lửa nồng nơi nhà lửa, cùng nhổ đường mê; soi sóng tối trên nước vàng, cùng sang đất Phật. Thế mới biết ác vì nghiệt đọa, thiện do duyên lên. Con đường đọa lên chỉ tự người cả. Ví như cây quế mọc ở non cao, mây móc không thể thấm cho hoa; cây sen nở trên sóng biếc, bụi bay không thể nhiễm vào lá. Không phải tính sen tự trong sạch và tính quế tự cao ngay, do được dựa vào cao, nên vật nhỏ không làm lụy đến, chỗ nương được sạch, nên loại đục không thể thấm vào. Kìa cỏ cây vô tri còn dựa vào thiện mà thành thiện; loài người học thức lại không biết theo phúc mà cầu phúc ư? Mong rằng kinh này, chảy khắp cũng như trăng sao đến vô cùng; phúc lành ban rộng, truyền bá cùng trời đất mà lớn mãi”.

Quan trung thư viết xong, vua cho triệu thánh tăng vào. Lúc bấy giờ Tam Tạng đã đứng đợi ở ngoài triều môn để tạ ơn. Nghe lệnh triệu vội vào, Đường Tăng làm lễ phủ phục Thái Tôn truyền mời lên điện, cầm bài văn đưa cho. Tam Tạng xem xong lạy xuống tạ ơn. Tâu rằng:

- Bệ hạ có lời văn cao cả, nghĩa lý sâu xa, duy không biết tên đề là gì?

Thái Tôn nói:

- Ban đêm đọc ra miệng, có ý dể đáp tạ ngự đệ, nên đặt tên là “Thánh Giáo Tự” chẳng biết có được không?

Trưởng lão cúi đầu tạ ơn. Thái Tôn lại nói:

- Trẫm tài kém ngọc ngà, lời thua vàng đá. Đến như kinh điển, rất ít được nghe. Miệng đọc mấy câu, rất là quê kệch. Bận giấy bút trong sổ vàng, treo gạch ngói nơi rừng ngọc. Trong lòng áy náy, trước mặt ngại ngùng. Thực chẳng dáng ghi, phiền lòng cảm tạ.

Lúc đó các quan đều mừng, đính lễ trước văn vua sắc thánh, truyền khắp trong ngoài.

Thái Tôn nói:

- Ngự đệ đem chân kinh diễn tụng một lượt có được không?

Trưởng lão nói:

- Tâu bệ hạ, muốn diễn chân kinh, phải ở đất Phật. Bảo điện đây không phải là nơi tụng kinh.

Thái Tôn nghe nói, liền hỏi quan đương giá.

- Các chùa trong thành Trường An, có cảnh nào là thanh tịnh?

Trong ban có quan thượng đại học sĩ là Tiêu Vũ đứng ra tâu rằng:

- Trong thành có chùa Nhạn Tháp là thanh tịnh.

Thái Tôn liền sai các quan:

- Hãy thành tâm bưng mấy quyển chân kinh, đi theo trảm đến chùa Nhạn Tháp, mời ngự đệ đến đấy giảng kinh.

Các quan mỗi người bưng mấy quyển, theo xa giá Thái Tôn đi đến chùa, xếp dựng một đài cao, đật bày hương án.

Trưởng lão nói:

- Bát Giới, Sa Tăng dắt long mã, coi hành lý, Hành Giả phải ở luôn bên ta.

Đoạn nói với Thái Tôn:

- Bệ hạ muốn đem chân kinh lưu truyền ra thiên hạ, nên cho sao lục ra bản khác, mới có thể truyền đi, bản chính phải trân trọng cất giữ, không nên coi thường!

Thái Tôn lại cười nói:

- Lời ngự đệ nói rất đúng, rất đúng!

Liền đó, triệu các quan trong viện Hàn Lâm và khoa Trung Thư sao viết chân kinh. Lại xây một ngôi chùa, ở mé đông thành, đật tên là “chùa Đường Hoàng”.

Trưởng lão bưng mấy quyển kinh lên đài, vừa toan tụng niệm, bỗng thấy có gió thơm quấn quít, tám vị đại kim cương hiện thân ở trên không trung gọi bảo:

- Người tụng kinh hãy buông kinh ra, theo ta trở về Tây.

Ở mé dưới bọn Hành Giả ba người, cả ngựa bạch, bỗng từ đất bằng bay lên. Trưởng lão bỏ rơi kinh xuống, cũng từ trên đài bay lên từng mây, cùng vượt không trung bay đi. Vua Thái Tôn cùng các quan hoảng sợ trông lên trên không, sụp lạy. Chính thực là:

Lấy kinh Tam Tạng phật gan bền,

Mười bốn năm ròng đạo đất phiên.

Rẽ lối, tìm đường, bao hoạn nạn,

Trèo non, lội nước, rất truân chiên,

Đủ công tám chín còn thêm chín

Tròn quả ba nghìn cả mọi nghìn.

Đưa được chân kinh về thượng quốc,

Đến nay Đông Thổ vẫn lưu truyền.

Thái Tôn cùng các quan lễ tạ, rồi kén ngay vị cao tăng đến chùa Nhạn Tháp, lập đàn chay đại thủy lục, đọc bộ Đại tạng chân kinh, siêu thoát cho nghiệt quỷ dưới u minh, ban rộng thiện duyên, lấy bộ kinh đã sao lục lại, ban bố khắp trong thiên hạ.

Lại nói tám vị Đại Kim Cương, dẫn bốn thầy trò Đường Tăng cả ngựa là năm, cưỡi gió trở lại Linh Sơn, vừa đi vừa về chỉ trong vòng tám ngày. Khi ấy các thần đương nghe giảng kinh ở trước mặt Phật. Tám vị Kim Cương dẫn mấy thầy trò tiến vào, bạch với Như Lai:

- Trước dây, đệ tử vâng sắc chỉ, đưa bọn thánh tăng cưỡi mây đã đến nhà Đường bên Đông Thổ. Đem kinh giao nộp, nay về trả lệnh chỉ.

Như Lai liền gọi bọn Đường Tăng đến gần nhận chức.

Như Lai nói:

- Thánh tăng, kiếp trước con nguyên là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi là Kim Thuyền Tử, chỉ vì con không nghe thuyết pháp, khinh nhờn đại giáo của ta, nên ta đuổi linh hồn con đi thác sinh sang Đông Thổ. Nay mừng con đã quy y, giữ đạo nhà chùa, theo giáo lý của ta, đi lấy chân kinh, có nhiều công quả, vậy gia thăng lên chính quả chức to, phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật. Tôn Ngộ Không, vì con đại náo thiên cung, ta đem pháp lực sâu xa ép con dưới chân núi Ngũ Hành, may mà tai trời đã hết, đi theo đạo thích, rất mừng con biết bỏ điều xấu, làm việc lành, trên đường đi phục ma trừ quái, trọn vẹn trước sau, gia thăng chức to chính quả, phong làm Đấu Chiến Thấng Phật. Trư Ngộ Năng, con xưa là thủy thần sông Thiên Hà, chức Thiên Bồng Nguyên Súy, vì con say rượu trêu ghẹo tiên nga ở hội bàn đào, nên phải đầu thai xuống hạ giới, thân làm súc vật. May mà còn nhớ thân người, tạo ra yêu nghiệt ở núi Phúc Lăng, động Vân Sạn, ưa theo đạo lớn, vào cửa Sa Môn, bảo hộ thánh tăng khi đi đường, chỉ vì lòng tham chưa dứt, tình sắc vẫn còn, nhưng biết gắng công quẩy gánh, gia thăng lên chức chính quả, làm Tịnh Đàn Sứ Giả.

Bát Giới miệng lẩm bẩm nói:

- Bọn họ đều thành Phật cả, làm sao chỉ cho tôi làm Tịnh Đàn Sứ Giả?

Như Lai nói:

- Vì con người khỏe, tính lười, dạ dầy to lớn. Khắp cả bốn bộ châu lớn trong thiên hạ tôn kính đạo ta rất nhiều, phàm công việc Phật, cho con đi khám đàn, cũng là một phẩm cấp có ăn uống, sao lại không tốt? Sa Ngộ Tĩnh con vốn xưa là Quyển Liêm Đại Tướng, chỉ vì đánh vỡ chén lưu li trên hội bàn đào, phải xuống hạ giới, đày ở lòng sông Lưu Sa, tạo ra yêu nghiệt, giết người ăn thịt, may theo đạo ta, thành kính tu hành, giữ thân, bảo hộ Đường Tăng, dắt ngựa trèo núi có công, gia thăng chính quả chức to, làm La Hán mình vàng.

Lại nói đến ngựa bạch:

- Con vốn là con trai Tây Dương đại hải long vương là Quảng Tấn, vì con làm trái mệnh cha, phạm vào tội bất hiếu, may biết quy thân, quy pháp, theo Sa Môn ta, hàng ngày nhờ con đèo cõng thánh tăng sang Tây, lại cõng thánh tăng về Đông. Con cũng là kẻ có công, gia thăng lên chức chính quả, làm Bát Bộ Thiên Long.

Bốn thầy trò trưởng lão, đều cùng cúi đầu tạ ơn. Ngựa cũng tạ ơn. Vẫn lại sai vị yết đế, đưa ngựa xuống hốc núi ở sau Linh Sơn, cho ngựa xuống dưới ao hóa rồng. Trong giây phút, con ngựa vươn mình một cái, trút hết lông da, thay cả đầu và sừng, vẩy vàng mọc ra khắp mình, cằm và mép đều nẩy râu, khí đẹp phủ kín mình, mây lành quầy bốn ngón, bay ra khỏi ao hóa rồng, quay lượn ở trong cửa chùa, ở trên cây hoa biểu đứng sững chống trời. Các Phật đều ngợi khen pháp lực đức Như Lai.

Tôn Hành Giả nói với Đường Tăng rằng:

- Sư phụ ạ, bây giờ con đã thành Phật, cũng được như thầy, mà cứ phải đội mãi cái kim cô à? Thầy có còn phải đọc chú khẩn cô nhi để thắt buộc con nữa đâu? Xin thầy đọc bài chú mở đai bỏ nó xuống, đập vỡ tan tành, không để cho Bồ Tát lại mang đi bát hại kẻ khác!

Đường Tăng nói:

- Chỉ vì lúc bấy giờ con là người khó bảo, nên phải lấy thế để kiềm chế con, nay con đã thành Phật, tự nhiên đai cũng mất thôi, có lẽ đâu còn cứ ở mãi trên đầu con được! Con thử sờ lên mà xem.

Hành Giả giơ tay sờ lên đầu, quả nhiên không còn đai Kim cô nữa.

Lúc bấy giờ Chiên Đàn Phật, Đấu Chiến Phật, Tịnh Đàn Sứ Giả, Kim Thân La Hán, đều đã lên ngôi chính của mình, thiên long mã cũng được trở về chân như. Có thơ làm chứng rằng:

Một lớp chân như lạc xuống trần,

Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.

Năm hành bàn sắc không rồi hết,

Trăm quái không danh hiệu chẳng cần.

Đạo lớn Chiên Đàn nên chính quả.

Danh cao phẩm chức hết trầm luân.

Kinh truyền khắp chốn ban ơn rộng,

Năm thánh trên cao cửa một thần.

Trong khi năm thánh đã thành chính quả, các vị Phật tổ, Bồ Tát, Thánh Tăng. La Hán, Yết Đế. Tỳ Kheo, Ưu Bà Di, tắc, các thần tiên ở các động, các núi, các đại thần, đinh giáp, công tào, thổ địa, hết thảy những sư tiên đã đắc đạo, trước kia cùng đến nghe giảng, bây giờ về cả bản vị. Đó là:

Non Thứu đỉnh cao đầy ráng đẹp, cõi đời cực lạc rợp mây lành. Rồng vàng ôm ấp, hổ ngọc nằm yên. Quạ thỏ đi về tùy ý, rắn rùa quanh lượn vui chân. Phượng đỏ, loan xanh tình ríu rít; vượn đen, hươu trắng ý ân cần. Quả tiên muôn thuở, hoa lạ nghìn xuân. Tùng già bách cỗi, trúc giậu, hoa sân. Mai năm sắc nở hoa kết quả, đào muôn năm khi chín khi xanh. Hoa qua từng từng tranh đẹp, phương trời rực rỡ ráng mây.

Mọi người chắp tay quy y, cùng niệm:

“Nam Mô Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật. Nam Mô Dược Sư Lưu Li Quang Vương Phật, Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Quá Khứ Vị Lai Hiện Tại Phật. Nam Mô Thanh Tịnh Hỷ Phật. Nam Mô Tỳ Lư Thi Phật. Nam Mô Bảo Tràng Vương Phật. Nam Mô Di Lặc Tôn Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô Vô Lượng Thọ Phật. Nam Mô Tiếp Dẫn Quy Chân Phật. Nam Mô Kim Cương Bất Hoại Phật. Nam Mô Bảo Quang Phật. Nam Mô Long Tôn Vương Phật. Nam Mô Tinh Tiến Thiện Phật. Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Phật. Nam Mô Hiện Vô Ngu Phật. Nam Mô Bà Lưu Na Phật. Nam Mô Na La Diên Phật. Nam Mô Công Đức Hoa Phật. Nam Mô Tài Công Đức Phật. Nam Mô Thiện Dụ Bộ Phật. Nam Mô Chiên Đàn Quang Phật. Nam Mô Ma Ni Tràng Phật. Nam Mô Tuệ Cự Chiếu Phật. Nam Mô Hải Đức Quang Minh Phật. Nam Mô Đại Tử Quang Phật. Nam Mô Từ Lực Vương Phật. Nam Mô Hiền Thiện Thủ Phật. Nam Mô Quảng Trang Nghiêm Phật. Nam Mô Kim Hoa Quang Phật. Nam Mô Tài Quang Minh Phật. Nam Mô Trí Tuệ Thắng Phật. Nam Mô Thế Tinh Quang Phật. Nam Mô Nhật Nguyệt Quang Phật. Nam Mô Nhật Nguyệt Châu Quang Phật. Nam Mô Tuệ Tràng Thắng Vương Phật. Nam Mô Diệu m Thanh Phật. Nam Mô Thường Quang Tràng Phật. Nam Mô Quan Thế Đăng Phật. Nam Mô Pháp Thắng Vương Phật. Nam Mô Tu Di Quang Phật. Nam Mô Đại Tuệ Lực Vương Phật. Nam Mô Kim Hải Quang Phật. Nam Mô Đại Tông Quang Phật. Nam Mô Tài Quang Phật. Nam Mô Chiên Đàn Công Đức Phật. Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật. Nam Mô Quan Thế m Bồ Tát. Nam Mô Đại Thế Trí Bồ Tát. Nam Mô Văn Thù Bồ Tát. Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát. Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát. Nam Mô Tây Thiên Cực Lạc Chư Bồ Tát. Nam Mô Tam Thiên Yết Đế Đại Bồ Tát. Nam Mô Ngũ Bách A La Đại Bồ Tát. Nam Mô Tỳ, Khâu Di, Tắc, Ni Bồ Tát. Nam Mô Vô Biên Vô Lượng Pháp Bồ Tát. Nam Mô Kim Cương Đại Sỹ Thánh Bồ Tát. Nam Mô Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát. Nam Mô Bát Đào Kim Thân La Hán Bồ Tát. Nam Mô Bát Bộ Thiên Long Quang Lực Bồ Tát”.

Như thế là kể tất cả thế giới chư Phật.

Xin đem công đức này

Trang nghiêm đất Phật tổ.

Trên báo bốn lần ơn.

Dưới cứu ba đường khổ.

Nếu ai mà biết ra,

Mở lòng lành tế độ.

Nước cực Lạc cùng sang,

Tấm thân này báo đủ.

Hết thảy chư Phật thập phương tam thế, chư tôn Bồ Tát Ma Ha Tát, ma ha bát nhã ba la mật. Tây Du Ký đến đây là hết.
 

tôi tìm thấy Tôi