CON ĐƯỜNG ĐẠO HỌC PHƯƠNG ĐÔNG
ẤN ĐỘ GIÁO
Để hiểu rõ những truyền thống triết học sau đây, ta cần biết rõ rằng tính cách của chúng là tôn giáo. Chúng nhắm đến một kinh nghiệm tâm linh trực tiếp về tự nhiên và tính chất của kinh nghiệm đó có tính tôn giáo. Điều này đúng nhất cho Ấn Độ giáo, hơn mọi truyền thống phương Đông khác, trong đó sự liên hệ giữa tôn giáo và triết học rất mạnh. Người ta cho rằng, tại Ấn Độ mọi tư duy đều là tư duy tôn giáo và Ấn Độ giáo không những có một đời sống tâm linh hàng trăm năm tại Ấn Độ, mà còn ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội và văn hóa tại đó.
Ta nên gọi Ấn Độ giáo là triết lý hay một tôn giáo? Đúng hơn đó là một thực tại sống to lớn và phức tạp gồm vô số những đạo giáo, thờ cúng và hệ thống triết lý với những nghi lễ khác nhau, phép tắc và kỷ luật tâm linh, cũng như sự thờ cúng các vị nam thần, nữ thần khác nhau. Những khuôn mặt đó của một truyền thống phức tạp, nhưng liên tục và mạnh mẽ phản ánh tính đa nguyên của bán đảo to lớn Ấn Độ về địa lý, sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Biểu hiện của Ấn Độ giáo trải dài từ những triết lý tâm linh cao siêu với những khái niệm thâm sâu đáng kinh ngạc, cho đến những cuộc hành lễ ngây thơ và trẻ con của quảng đại quần chúng. Dù phần lớn tín đồ Ấn Độ giáo chỉ là dân chúng làng quê, ngày ngày hành lễ giữ đạo, thì mặt khác tôn giáo này cũng sinh sản một số lớn đạo sư tâm linh xuất chúng, các vị này là người trao truyền nhận thức sâu xa của đạo.
Nguồn gốc tâm linh của Ấn Độ giáo là “Vệ -đà”, một tập hợp kinh cổ, kinh này do các vị hiền triết
khuyết danh ghi lại, các vị này được gọi là “Thấu thị Vệ-đà”. Có bốn bộ
Vệ-đà, bộ xưa nhất là Rig-Veda (Lê-câu Vệ-đà). Được viết bằng văn hệ
Sanskrit, ngôn ngữ cổ và thiêng liêng của Ấn Độ, các bộ Vệ-đà có thẩm quyền tôn giáo cao nhất giữa các bộ phái Ấn Độ giáo. Tại Ấn Độ thì mọi hệ thống tôn giáo không thừa nhận thẩm quyền của Vệ-đà được gọi là phi kinh viện.
Mỗi bộ kinh Vệ-đà đó gồm có nhiều phần, xuất phát từ những thời kỳ khác nhau, có lẽ giữa năm 1500 và 500 trước Công nguyên. Những phần cổ nhất là các thánh ca cầu nguyện. Các phần sau đó nói đến các phép cúng tế liên quan đến các bài thánh ca, và phần cuối, gọi là các bài thuyết giáo, có nội dung thiết thực và triết học. Các bài thuyết giáo chứa đựng thông điệp tâm linh căn bản của Ấn Độ giáo. Trong 25 thế kỷ qua, các bộ kinh này đã dẫn dắt và gây cảm hứng cho những nhân vật vĩ đại nhất của Ấn Độ, đúng như lời khuyên trong những vần thơ sau đây:
Lấy vũ khí lớn, lấy bài thuyết giáo (Upanishad) làm cánh cung, lắp vào đó mũi tên đã được thiền định mài sắc, giương cung lên với tâm thức hướng về cốt tuỷ của Người, bắn trúng cái bất tử, hỡi bạn.
Quần chúng nhân dân Ấn Độ tuy thế lại không học giáo pháp của ấn Độ giáo qua những bài thuyết giáo, mà thông qua một số lớn truyện dân gian được ghi trong những tác phẩm, trong đó huyền thoại Ấn Độ được xây dựng lên, đầy mầu sắc huyễn hoặc. Một trong những tập đó là tập anh hùng ca Mahabharata, chứa đựng những thánh ca tôn giáo được ưa chuộng nhất, chưa tập trường thi Chí tôn ca (Bahagavad Gita). Thường được gọi tắt là Gita, tập này kể lại nội dung chuyện trò của thần Krishna và người chiến sĩ Arjuna tuyệt vọng. Trong cuộc chiến tranh gia tộc, đó là câu chuyện chính của Mahabhara, chàng là người chiến đấu chống lại chính bộ tộc mình. Thần Krishna, hiện lên làm kẻ lái xe cho chàng, cố tình lái xe đi vào giữa hai phe và trên bãi chiến trường khốn khổ này, ông hé mở cho chàng thấy những thực tại sâu xa nhất của Ấn Độ giáo. Khi thần đang thuyết giảng thì hình ảnh hai bộ tộc đang đánh nhau mờ nhạt đi và điều bỗng sáng tỏ là trận đấu của Arjuna chính là trận đấu tâm linh của con người, đó là cuộc chiến của người chiến sĩ đi tìm sự giác ngộ. Krishna khuyên Arjuna:
Vì thế hãy giết sự nghi ngờ do vô minh sinh ra trong tâm ngươi bằng lưỡi kiếm trí huệ. Hãy cùng rung động với chính ngươi, trong phép du-già, và hãy đứng dậy, hãy đứng dậy, hỡi người chiến sĩ.
Căn bản của giáo pháp tâm linh Krishna, như khắp mọi nơi trong ấn Độ giáo, là quan điểm cho rằng mọi thiên hình vạn trạng của sự vật và biến cố chỉ là những dạng xuất hiện khác nhau của một thực tại cuối cùng duy nhất. Thực tại này được gọi là Brahman (thể tính vũ trụ) là khái niệm thống nhất mọi sự, dù có thờ cúng nhiều nam thần nữ thần khác nhau.
Brahman, thực tại cuối cùng, được gọi là “linh hồn” hay tự tính nội tại của mọi sự vật. Nó là vô biên và nằm ngoài mọi khái niệm; nó không thể dùng suy luận mà hiểu, cũng không thể dùng ngôn từ mà diễn tả được: “Brahman, vô thủy, siêu việt: nằm ngoài cái hiện hữu và phi hiện hữu”, linh hồn siêu việt này không nắm bắt được, vô biên, bất sinh, suy luận không tới, không tư duy được”. Thế nhưng vì con người muốn nói tới thể thực tại này nên các nhà hiền triết Ấn Độ giáo, là những người vốn ưa thích huyền thoại, mới diễn tả Brahman như thánh thần thiêng liêng và nói về nó với giọng huyền bí. Các khuôn mặt khác nhau của thể thực tại này mang tên các vị thần được tín đồ Ấn Độ giáo thờ phụng, nhưng kinh sách đã chỉ rõ tất cả các vị thần này đều là phản ánh của thực tại này mà thôi:
Cái mà con người nói: “cầu thần này, cầu thần kia!”, cái này cái khác, đó chính là sự sáng tạo của nó (của Brahman)! Và chính nó là tất cả các vị thần đó.
Hiện thân của Brahman trong linh hồn con người được gọi là “Atman” và quan niệm cho rằng Atman và Brahman, thể thực tại cá thể và thể thực tại cuối cùng, là một, quan niệm đó là then chốt của Upanishad:
Thứ, thứ làm bằng chất liệu tinh tế nhất đó, nó là linh hồn của toàn thế giới. Đó là cái đích thực. Đó là Atman, đó là ngươi.
Trong huyền thoại Ấn Độ có một chủ đề luôn luôn được hiện diện, đó là sự sáng tạo thế giới thông qua sự “tự hy sinh” của thánh thần. Qua đó mà thánh thần biến thành thế giới, rồi thế giới lại biến thành thánh thần. Hành động sáng tạo thiêng liêng này được gọi là “Lila”, trò chơi của đấng sáng tạo và thế giới là một sân khấu nơi diễn ra trò chơi thánh thần đó. Cũng như mọi huyền thoại Ấn Độ giáo thì huyền thoại sáng tạo “Lila” đầy tính huyễn hoặc. Brahman là nhà đại huyễn thuật, người tự biến mình thành thế giới, ngài là người thực hiện
hành động đó với “sức mạnh huyền thoại, sáng tạo”, đó là nghĩa đầu tiên
của từ “Maya” trong Lê-câu Vệ-đà. Từ Maya, một trong những khái niệm
quan trọng nhất của triết học Ấn Độ, đã biến đổi ý nghĩa của nó qua nhiều thế kỷ. Mới đầu nó có nghĩa “sức mạnh” của quyền năng siêu nhiên hay của nhà huyễn thuật, ngày nay nó mang nghĩa “huyễn cảnh”, nói lên tâm thức con người khi chịu sự tác động của ma thuật. Bao lâu ta còn bị muôn ngàn hình dạng của trò chơi thánh thần làm lẫn lộn, không thấy sự nhất thể của Brahman, là thứ sinh ra mọi dạng hình đó, thì bấy lâu ta còn bị Maya tác động.
Maya không có nghĩa rằng thế giới là một ảo giác, như có nhiều người nói sai. Cái ảo giác chỉ nằm trong cách nhìn, khi chúng ta tưởng rằng, hình dạng và cơ cấu của sự vật và biến cố quanh ta là thực tại thực sự, thay vì nhận thức rằng chúng chỉ là khái niệm của đầu óc đo lường và phân biệt của chúng ta. Maya là ảo giác nếu tưởng khái niệm là thực tại, nếu ta nhầm bản đồ một vùng đất là bản thân vùng đất thật.
Theo quan niệm của Ấn Độ giáo thì trong thiên nhiên tất cả mọi hình dạng đều tương đối, đang trôi chảy, đang thay đổi, do nhà đại huyễn thuật của trò chơi thiêng liêng nói trên bày ra. Thế giới Maya của ta thay đổi vì “trò chơi” đó là một trò năng động, có nhịp điệu. Sức mạnh năng động của trò chơi là “Karma” (nghiệp lực), một khái niệm quan trọng khác của tư tưởng Ấn Độ. Nghiệp có nghĩa là hành động. Nó là nguyên lý động của trò thay đổi, là vũ trụ đang vận hành, nơi mọi thứ đều liên hệ với nhau trong cự vận động. Gita nói “Nghiệp là sức mạnh của sự sáng tạo, từ đó mà tất cả mọi vật đều sống”.
Ý nghĩa của nghiệp (Karma) cũng như ảo giác (Maya) được đưa tù bình diện nguyên thủy của vũ trụ xuống đến bình diện con người, nơi đó mang một ý nghĩa tâm lý. Bao lâu thế giới quan của ta còn bị chia chẻ, bấy lâu chúng ta còn bị ảnh hưởng của ảo giác mà nghĩ rằng ta hiện hữu tách rời thế giới và hành động độc lập, và bấy lâu ta còn bị Nghiệp trói buộc. Thoát khỏi nghiệp chính là nhận thức được sự nhất thể và đồng điệu của toàn bộ thiên nhiên, kể cả con người và theo đó mà hành động. Gita nói rõ như sau:
Tất cả mọi hành động xảy ra trong thời gian, dựa trên sự liên hệ của các sức mạnh thiên nhiên, nhưng con người trong sự vô minh ngã chấp cứ tưởng nó là người thực hiện.
Nhưng những người đã biết rõ mối liên hệ giữa thế lực thiên nhiên và hành động lên những lực khác và sẽ không trở thành nô lệ của chúng nữa.
Muốn thoát khỏi ảo giác, khỏi sự ràng buộc của nghiệp là phải nhận thức rằng những gì do giác quan mang lại, chúng chỉ là những mặt của một thực tại duy nhất. Cụ thể là cần một sự thể nghiệm cá nhân để biết rằng tất cả, kể cả chúng ta đều là Brahman. Trong triết học Ấn Độ giáo, sự thể nghiêm này được gọi là “Moksha”, hay sự giải thoát, đó là điều cốt tuỷ của Ấn Độ giáo.
Theo Ấn Độ giáo, có nhiều cách giải thoát, họ không cho rằng mọi tín đồ đều tới với cái thiêng liêng bằng một cách như nhau và do đó mà cho tín đồ nhiều cách thức, hành lễ hay phép tu cho nhiều mức độ ý thức khác nhau. Thực tế là nhiều phương pháp hay phép tu này trái ngược hẳn nhau, nhưng tín đồ Ấn Độ giáo không bao giờ quan tâm vì họ biết rằng dù gì thì Brahman cũng nằm ngoài phương cách hay hình ảnh. Nhờ thái độ này mà Ấn Độ giáo có một tinh thần cởi mở và tính đa nguyên rộng rãi.
Tông phái tri thức nhất trong Ấn Độ giáo là Vedanta, nó dựa trên Upanishad và xem Brahman là một khái niệm siêu hình, không mang dạng người, không liên quan gì đến bất cứ một huyền thoại nào cả. Mặc dù có trình độ tri thức và triết học cao, con đường của phái Vedanta cũng rất khác các trừng phái triết học Phương Tây, vì nó bao gồm phép thiền định và các phép tu học khác phải thực hiện hàng ngày, nhằm tạo ra sự nhất thể với Brahman.
Một phương pháp quan trọng khác để tiến đến giải thoát là phép Du-già, đó là từ có nguyên nghĩa kết nối, hợp nhất và giữa trên sự hợp nhất của linh hồn cá nhân với Brahman. Có nhiều trường phái du-già, chúng bao gồm một số kỹ thuật thuộc thân và một số phép tu thuộc tâm cho nhiều loại người khác nhau, tùy theo trình độ tâm linh.
Tín đồ Ấn Độ giáo thông thường thích tôn thờ cái thiêng liêng dưới dạng một vị thượng đế có nhân trạng, nam thần hay nữ thần. Sức tưởng tượng phong phú Ấn Độ đã sản sinh ra hàng ngàn vị thần, hiện ra trong vô số hình dạng khác nhau.
Ba vị được thờ cúng nhiều nhất hiện nay là Shiva, Vishnu và Shakti. Shiva là một trong những vị thần cổ nhất Ấn Độ, mang nhiều dạng khác nhau. Một dạng có tên là Mahesvara (đại thiên), xuất hiện với tính cách hiện thân của Brahman. Vị này cũng đại diện cho nhiều tính cách thiêng liêng khác. Hiện thân nổi tiếng nhất của Shiva là Nataraja, chúa tể của vũ công. Là người múa vũ điệu của vũ trụ, Shiva là thần sáng tạo cũng là thần hủy diệt, vị thần giữ nhịp điệu của vũ trụ được tồn tại đến vô cùng bằng điệu vũ của mình.
Vishnu cũng có nhiều khuôn mặt; một trong số đó là thần Krishna trong Chí tôn ca Bhagavad Gita. Nhìn chung, Vishnu là hiện thân của kẻ giữ vũ trụ được bảo toàn. Vị thần thứ ba là Shakti, vị nữ thần, đại diện cho nguyên lý âm trong vũ trụ.
Shakti cũng xuất hiện với tính cách là vợ của thần Shiva. Trong các tranh tượng có khi hai vị được trình bày ôm nhau rất say sưa, tỏa ra một tính cách nhục thể kỳ lạ mà trong nghệ thuật tôn giáo phương Tây không hề có. Ngược với phần lớn tôn giáo phương Tây thì niềm vui nhục cảm không hề bị đè nén trong Ấn Độ giáo vì tôn giáo này xem thân thể luôn luôn là thành phần bất khả phân của con người và không hề rời xa tâm thức. Tín đồ Ấn Độ giáo do đó không tìm cách dùng lý trí để kiểm soát các động lực dục tính, mà nhằm tự chứng thực toàn bộ con người mình, thân và tâm. Ấn Độ giáo còn phát triển cả một hướng tu, gọi là Tantra của thời trung cổ, trong đó sự giác ngộ được tìm thấy thông qua sự chứng thực sâu xa của tình yêu nhục cảm, trong đó mỗi người đều là cả hai, phù hợp với những dòng sau đây của Upanishad:
Như một người đàn ông được một người đàn bà yêu mình ôm chặt, người đó không còn có ý thức về bên ngoài lẫn bên trong, thì người đó được Atman nhận thức ôm chặt, cũng không có ý thức về bên ngoài hay bên trong.
Shiva có mối tương quan chặt chẽ với những dạng nhục cảm huyền bí, cũng như Shakti và nhiều nữ thần khác, có nhiều trong huyền thoại Ấn Độ giáo. Số lượng khá đông của các nữ thần còn cho thấy, phần thân xác và nhục dục của tính chất con người luôn luôn được xem là nguyên lý nữ, trong Ấn Độ giáo nó là thành phần bất khả phân của tính chất thiêng liêng. Các vị nữ thần Ấn Độ giáo không xuất hiện như một vị đồng trinh thiêng liêng mà với một vẻ đẹp hấp dẫn.
Trí thức phương Tây có thể lạc lối vì có quá nhiều thần thánh hiện thân và tái sinh trong các huyền thoại Ấn Độ. Người theo Ấn Độ giáo chịu được tính đa thần này vì các vị này đối với họ thật ra là một cả. Tất cả đều chỉ là sự xuất hiện của một thể thiêng liêng duy nhất và chúng chỉ phản ánh nhiều bộ mặt khác nhau của Brahman vô tận, đang từng giây phút hiện hữu và không nắm bắt được.Đạo của Vật Lý
https://thuvienhoasen.org/p75a4377/chuong-5-an-do-giao
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.