Theo truyền thống Thiền Nhật Bản ngày xưa, những tăng
sĩ đi vân du khắp nơi, nếu muốn ngủ trọ qua đêm ở một ngôi chùa hay
tịnh xá nào, đều phải thắng cuộc tranh luận tay đôi với vị sư thường trụ ở đó. Nếu không thắng được,vị du tăng đó phải đi, không được phép ở
lại, dù chỉ có một đêm.
Câu truyện xảy ra tại một ngôi cổ tự phía bắc
Nhật Bản. Trụ trì ngôi chùa đó là hai anh em một nhà sư. Người anh rất
thông thái, biện luận vô cùng thiện xảo, còn người em lại ngớ ngẩn, lù
khù và còn chột một mắt.
Một đêm nọ, có một vị du tăng đi ngang qua,
muốn xin vào nghỉ tạm qua đêm. Nhà sư anh, quá mệt mỏi vì đã học hành
suốt ngày, nên sai nhà sư em ra tiếp khách và tranh luận với vị du tăng
theo truyền thống. Trước khi nhà sư em đi ra ngoài, Sư anh dặn dò:
"Này, đệ đòi hỏi là phải tranh luận trong im lặng đó nhé. Đừng có nói, kẻo đấu không lại người ta đó."
"Huynh yên tâm đi, để đó cho em!"
Độ một thời gian ngắn sau, vị du tăng xin gặp
nhà sư anh, vái chào và xin ra đi. Ông ta đã bị khuất phục và hết sức
tán thán tài hùng biện của nhà sư em.
Nhà sư anh nói:
"Trước khi đi, xin Ngài thuật lại cho tôi nghe cuộc tranh luận thế nào?"
"Rất hay, tuyệt, vị du tăng trả lời, này nhé,
trước hết tôi giơ một ngón tay lên ý tượng trưng Đức Phật. Sư đệ của
ngài đưa 2 ngón tay lên có nghĩa là Đức Phật và Phật pháp. Tôi lại đưa 3
ngón tay lên có ý nói Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) số một. Sư đệ thông
minh của ngài đưa nắm tay lên dứ vào mặt tôi có ý nói là cả 3 (Tam Bảo)
đều qui về một. Một là tất cả, tất cả là một. Tuyệt, tuyệt, sâu xa, sâu
xa, Đại Thừa, lý rốt ráo đại thừa đấy. Tôi cam lòng bái phục."
Vị du tăng ra đi, rất hể hả như đã học được một điều gì tuyệt diệu.
Lát sau, nhà sư em vào gặp anh, dáng điệu còn có vẻ bực bội vô cùng.
Vị Sư anh nói:
"Ta biết là đệ đã thắng cuộc tranh luận này."
"Thắng cái gì, cái tên du tăng đó thật là thô
lỗ hết sức, nếu đệ không nhớ lời sư huynh dặn bảo là phải cố gắng nhẫn
nại, nhã nhặn và lễ độ với khách thì em đã cho hắn một bài học thích
đáng rồi."
"Sao, đệ thuật lại cho ta nghe sự việc như thế nào?"
"Này nhé, khi hắn ta vừa thấy em, hắn liền đưa
một ngón tay lên có ý chế diễu em chột hết một mắt; em cố dằn cơn giận,
đưa 2 ngón tay lên khen là hắn có phước, đầy đủ 2 con mắt. Thế mà hắn
lại có ý trêu ngươi em nữa chứ, hắn đưa 3 ngón tay lên, có ý nói là em
và hắn ta, hai người nhưng chỉ có 3 con mắt thôi. Em bực quá, dơ nắm tay
đấm lên dứ vào mặt hắn có ý cho hắn biết là "Này, vừa phải thôi nghen,
lộn xộn là ăn đấm đó." Hắn chột dạ, có vẻ ngán nên vái chào rút lui có
trật tự. Thiệt là tăng sĩ gì mà thô lỗ hết sức!"
Nhà Sư anh trợn mắt, lắc đầu và ôm bụng lăn ra cười ngất.
"Ha ha ha! Ha ha ha!"
Qua câu chuyện vui trên, ta thấy tất cả những
cuộc tranh luận thực ra đều sai lệch, kệch cỡm, bởi vì không một ai có
thể đạt tới chân lý qua tranh luận cả. Những vị tăng sĩ Nhật Bản tranh
cãi nhau, hơn thua nhau chỉ để khoa trương tự ngã và cái giải thắng là
"ngủ trọ qua đêm". Chỉ có một đêm ngủ trọ thôi mà người ta hăng hái,
hùng hổ tranh chấp với nhau. Nhưng đó là truyền thống và người ta nhắm
mắt tuân theo truyền thống. Hàng ngàn năm qua, tại bất cứ một thiền viện
Nhật nào, nếu bạn muốn ngủ trọ qua đêm, bạn phải thắng cuộc - và sau
đêm đó, sáng mai, bạn lại khăn gói ra đi - nhưng nhiều người đã tự lừa
dối mình rằng đã đạt tới chân lý, giác ngộ qua cuộc tranh luận. Họ lấy
sự hơn thua trong cuộc tranh luận đó làm cái mốc đo tri thức và mức độ
tu tập của họ.
Không, hoàn toàn không. Chân lý làm sao hiển
hiện ra khi đầu óc bạn chứa đầy tư tưởng phải đánh gục đối phương, phải
thắng cuộc tranh luận để chứng tỏ sở trường sở đắc của mình. Một khi bạn
tìm cách làm sao để thắng đối phương, bạn đã là một kẻ bạo lực, dù là
bạo lực tư tưởng.
Tranh luận là bạo lực. Bạn có thể giết hoặc bị
giết qua phương cách đó, bạn không thể sống còn, và sự thực cũng bị giết
chết qua phương cách đó. Quả thực, bạn không đi tìm sự thực, bạn đi tìm
chiến thắng dưới bất cứ hình thức nào. Khi chiến thắng là mục đích,
Chân lý phải hy sinh. Khi Chân lý là mục đích, chiến thắng hay vinh
quang phải dẹp bỏ - và chân lý phải là mục đích, không phải là chiến
thắng bởi vì nếu chiến thắng là mục đích thì bạn là một chính trị gia
rồi, không phải là một người tôn giáo. Bạn là một kẻ bạo hành, đang tìm
cách thống trị đàn áp người khác. Bạn cũng chẳng khác gì những kẻ đi
gieo rắc chiến tranh; một là ta chết, hai là đối phương phải chết. Dù
dưới dạng đấu tranh tư tưởng, thì cơ bản vẫn là tranh đấu.
Chân lý không bao giờ trở thành một sự thống
trị cả; Chân lý không bao giờ hủy diệt một cái gì. Chân lý đưa đến "Tình
Thương, Xả Kỷ, Khiêm Tốn" chứ không đưa đến thất bại, vinh nhục hay bẽ
bàng.
Những người đi tìm Chân lý thực sự sẽ không
chấp nhận hình thức đấu tranh. Họ không bao giờ mong muốn chiến thắng
vinh quang phải thuộc về họ, chứ không thuộc về người khác. Trong chân
lý, con người gặp nhau và trở thành một. Không có người chiến thắng,
không có kẻ thất bại. Trong chân lý, không có một ai bị đánh ngã. Trong
chân lý, chân lý là người thắng và chúng ta là người thua cuộc, mất mát.
Mất cái gì? Thua cái gì? Mất cái "tự ngã nhỏ hẹp, ích kỷ, mê mờ." Thua
sự "Thương Yêu Chân Thật". Nhưng nếu trong cuộc tranh luận, tôi là tôi,
anh là anh, không có một nhịp cầu thông cảm bắc ngang.
Làm sao bạn có thể hiểu biết và thương yêu người khác khi bạn đang chống đối họ?
"Hiểu Biết" và "Thương Yêu" cần có sự đồng cảm,
cần sự chia xẻ với nhau. Hiểu Biết có nghĩa là chịu lắng nghe người
khác, tôn trọng ý kiến của họ, và chỉ khi nào bạn lắng nghe tư tưởng
người khác, bạn sẽ nghe được âm thanh của gió, của chim, của vạn vật vũ
trụ. Vì thế, khi bạn đang bàn thảo một vấn đề gì, đang lý luận một vấn
đề gì, bạn thực sự không có khả năng lắng nghe người khác, bạn chỉ giả
vờ nghe nhưng thực ra không thể nghe trọn vẹn những gì người khác nói,
vì sao? Vì lúc đó, đầu óc bạn đang quay cuồng làm việc để đấu trả lại
người khác, khi kẻ đó ngưng nói là bạn nhẩy tới tấn công ngaỵ Bạn đã
chuẩn bị và sẵn sàng ăn miếng trả miếng với họ.
Đúng vậy, bất cứ một cuộc tranh luận nào cũng
không bao giờ mang lại một sự thông cảm đoàn kết. Càng tranh cãi, bạn
càng đi xa dần chân lý. Bạn đã bị chia cắt làm đôi. Đó là lý do mà các
triết gia, các luận sư không thể nào đạt tới chân lý hoàn toàn. Họ chỉ
chạm tới những mạnh vỏ rời rạc của chân lý.
Ngày xưa, Chúa Giê Su đã đi du thuyết khắp nơi,
nhưng tất cả những người trọn vẹn đi theo Chúa lại là những người rất
bình thường, tầm thường, không có đến một người trí thức, không có đến
một người học giả nào. Không phải vì thời đó không có các nhà bác học
trí thức, mà trái lại, các vị học giả lừng danh thời đó không chấp nhận
đường lối giáo hóa của Chúa. Họ phản ứng dữ dội, họ muốn giết Chúa. Vì
sao? Vì Chúa rao giảng Tình Thương, rao giảng Hòa Bình. Chúa nói về Đức
Tin trong sáng, về Tình Yêu Nhân Loại; Chúa dạy con người làm cách nào
nối kết hai trái tim lại với nhau để chung sống hạnh phúc. Những gì Chúa
rao giảng đã đi ngược lại truyền thống xã hội thời đó. Các nhà học giả
cảm thấy khó chịu bất mãn, vì sao? Vì họ quen sống trong đấu tranh,
trong tư tưởng thắng bại, trong hào quang hãnh diện phỉnh phờ lường gạt
tâm thức họ. Tự ái bản ngã được vuốt ve mỗi khi họ tranh luận và thắng
đối phương. Vì thế, không làm sao họ chấp nhận được những lời giảng của
Chúa, và để bảo vệ "cái tôi" của họ, những kẻ học thức đó đã liên kết
tìm cách giết Chúa - và họ đã tìm được kẻ phản bội, Judas.
Những môn đồ của Chúa đều là những người bình
thường; họ là những người thợ làm giầy, thợ săn, câu cá, đốn củi, cô thợ
may, chị làm bếp, v.v... Chỉ có Judas là kẻ có học, một kẻ thông minh.
Và kẻ thông minh học thức đó đã phản bội, đã bán rẻ Chúa với giá 30 đồng
bạc. Chúa biết là nếu có phản đồ thì chỉ có Judas, vì sao? Vì trái tim
chỉ có thể bị phản bội bởi đầu óc. Chỉ có Lý Trí phản bội Tình Thương mà
thôi.
Đó là điểm thứ hai tôi muốn nói với bạn, muốn
nhắc cho bạn nhớ trước khi tôi đi vào câu truyện là qua bức màn lô gích,
qua mạng lưới tri thức, qua tranh luận, bạn đã trở thành một kẻ xa lạ
với mọi người; nhịp cầu thông cảm giữa con người và con người đã gẫy.
Làm sao bạn có thể đạt tới Chân Lý khi bạn không thể hiểu người khác,
khi đầu óc bạn chứa đầy tư tưởng đấu tranh, bạo lực? Chính cái tư tưởng
bạo hành đó đã hại bạn rồi vậy.
Vì thế những cuộc tranh luận đều phù phiếm;
chúng không hướng dẫn bạn đi về đâu cả. Ngay cả khi bạn đã thắng và kết
thúc cuộc tranh biện thì kết quả thắng cuộc đó cũng chỉ là gượng ép mà
thôi. Bạn có thể bịt miệng người khác, làm cho đối phương im tiếng,
không thể tranh cãi gì được thêm nửa ngày hôm nay, nhưng chưa chắc kẻ đó
đã chịu thua, chịu khuất phục hoàn toàn. Trong thâm tâm, hắn ta sẽ nghĩ
thầm rằng: "Ngày hôm nay ta tạm thua ngươi, nhưng một ngày nào đó, ta
sẽ đánh bại ngươi." Hắn bị đánh bại ngày hôm nay nhưng không phải là sẽ
bị thua mãi mãi. Tuy nhiên, có hai việc khác nhau là nếu bạn thắng đối
phương bằng trái tim thì người đó sẽ chịu thua trong hoan hỷ, an lạc và
cảm phục (nên nhớ "Cảm Phục" khác nghĩa với "Khuất phục"). Người đó hoan
hỷ trong vinh quang của bạn; người đó chia xẻ với bạn sự hãnh diện sung
sướng; vì đó không phải là chiến thắng trong tranh đấu, không phải bạn
chiến thắng ai mà chân lý thắng; cả hai chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng
đều cùng san sẻ khúc khải hoàn ca Chân Lý. Không có người thắng kẻ bại.
Biên giới đã xóa mất, nhịp cầu đã bắc ngang, bạn và tôi tuy hai mà một,
tuy một mà hai.
Vì thế, một vị đạo sư, không bao giờ tranh biện
với ai cả. Nếu thỉnh thoảng, vị đạo sư ấy tỏ vẻ như tranh luận với bạn,
thì chớ tưởng lầm nhé - Ông ta chẳng qua chỉ là đang chơi chữ với bạn
đó thôi! Ông ta đang thử bạn đó. Nếu bạn nóng mặt, phản ứng liền, sợ bị
thua thì bạn tự biến mình thành nạn nhân của trò chơi chữ của ông ta rồi
vậy.
Có nhiều vị thiền sư tỏ ra thích biện luận. Rất
khó mà đánh bại được họ, cũng không thể chơi chữ lại họ - nhưng thực
ra, các vị thiền sư đó chỉ mượn trò chơi chữ đó để giúp bạn hâm nóng lại
tâm thức, giúp bạn tỉnh cơn mê, giúp bạn rút chân ra khỏi vùng lầy chữ
nghĩa.
Junnaid, một người Sufi, một thời học đạo với
Sư Phụ, và vị thầy đó rất ư là kỳ quặc, chuyên môn nói ngược lại những
gì người khác nói, thí dụ như bạn nói "ban ngày" thì ông ta nói "ban
đêm", mặc dù trong lúc đó đang là ban ngày. Tuy nhiên, Junnaid không
màng cải chính lại lời Sư Phụ. Junnaid chỉ giản dị, bình thản cúi đầu
trả lời: "Dạ vâng, Sư Phụ, đó là ban đêm."
Một ngày kia, Sư Phụ Junnaid gọi Junnaid lại và bảo:
"Này Junnaid, ngươi đã thắng. Ta không thể châm
ngòi một cuộc tranh luận nào với ngươi. Đức tin của ngươi thật sâu
chắc, không lay động, kiên cố. Và bây giờ, ta có thể bắt đầu thuyết
giảng chân lý cho ngươi, vì ngươi đã sẵn sàng tiếp nhận."
Một khi con tim nói lên tiếng nói chân thật của nó, bạn đã có đầy đủ khả năng lắng nghe và tiếp nhận Sự Thật Tuyệt Đối.
Tôi lại kể cho bạn nghe một câu truyện nữa:
"Ngày kia tại một tiểu quốc nọ, vị Tể Tướng
đương triều đột nhiên bị bạo bệnh và từ trần. Vị Tể Tướng này rất tài ba
lỗi lạc, khó ai sánh bằng. Cả vương quốc bàng hoàng và lo lắng. Nhà Vua
truyền lệnh phải tìm gấp cho bằng được một người tài giỏi khác để trám
vào chỗ trống của quan Tể Tướng cho kịp xử lý mọi công vụ quốc gia.
Lịnh ban truyền ra, mọi người từ các quan đến
thần dân đều đỏ mắt tìm kiếm khắp nơi. Không có một hang cùng ngõ hẻm
nào bị bỏ sót, và cuối cùng họ kiếm được ba người để trình kiến nhà Vua.
Người thứ nhất là một nhà tân toán học, một
khoa học gia lỗi lạc nhất nước. Ông ta có thể giải đáp tất cả các bài
toán hóc búa nhất trong nháy mắt, chia chẽ ngọn ngành các phương trình
hệ thống khoa học tân kỳ mà khó có người nào hiểu thấu được.
Người thứ hai là một nhà triết học xuất chúng.
Ông ta có thể bẻ gẫy mọi luận thuyết, giải đáp những vấn đề siêu hình
của thế gian không một chút khó nhọc nào. Ông là người lỗi lạc nhất
trong số các triết gia đương thời. Từng lời nói, câu văn của ông được
mọi người khen thưởng và trân trọng cất giữ như một báu vật thiêng
liêng. Ồ, Tạo Hóa còn được các triết gia vẽ vời ra huống chi những
chuyện khác. Họ ngụy tạo ra Thượng Đế, họ tạo ra ngày mặc khải, họ tạo
ra đủ thứ hệ thống, lý thuyết - nhưng suy cho cùng, tất cả chỉ là bánh
vẽ, họ chẳng có gì trong tay họ cả. Họ là những người thợ sắp chữ rất
tài tình khéo léo, kỹ xảo; họ là những người chơi trò chơi chữ vô cùng
độc đáo, đến nỗi chúng ta có cảm tưởng là mọi điều họ nói đều căn bản,
chắc chắn - nhưng thực tế là những lâu đài xây trên cát mà thôi.
Người thứ ba là một người tôn giáo, một người có đầy đủ đức tin, sùng bái và dâng hiến.
Ba người được tuyển chọn này tượng trưng cho ba góc độ tư tưởng và tri thức.
Nhà bác học quan tâm đến những thử nghiệm,
nghiên cứu, phân tích. Tất cả mọi vấn đề phải được ông ta nghiên cứu
tường tận, nếu không, ông không chấp thuận. Sự thật theo ông là sự thực
đã được kiểm chứng.
Vị triết gia là người tư duy lô gích. Nhà triết
học làm việc bằng đầu óc, chứ không phải trong phòng thử nghiệm. Bộ não
của các triết gia chính là phòng thí nghiệm.
Người tôn giáo thì không nhìn cuộc đời như một
bài toán hay một vấn đề cần phải mổ xẻ, phân tích hay lập luận. Đối với
nhà tôn giáo, cuộc đời không phải là một bài toán hay vấn đề; cuộc đời
không có gì và cũng không cần phải giải quyết; chỉ giản dị thôi, cuộc
đời là để "sống, sống thực thụ và thể nghiệm" trong đó.
Theo quan điểm tôn giáo, cuộc đời không phải là
một vật thể. Khi bạn thử nghiệm một vật gì, bạn hoàn toàn khác với vật
đó, bạn là người làm công cuộc thử nghiệm, và đối tượng của bạn là vật
được thử nghiệm. Nhưng khi bạn sống với cuộc đời, hòa mình nhập thể vào
cuộc đời, bạn là một với nó. Thế cho nên, nhà tôn giáo đã nói: "Trừ phi
bạn phải hòa nhập làm một với cuộc đời, bạn mới có thể hiểu ý nghĩa cuộc
sống, nếu không, bạn sẽ không bao giờ biết được sống là gì?"
Ba người đó được dẫn đến trình diện nhà Vuạ Ngài nói:
"Được rồi, các người cứ tự nhiên nghỉ ngơi 3
ngày và đến ngày thứ 4 sẽ là ngày thử thách, chỉ một cuộc thi mà thôi.
Ai thắng sẽ được chọn phong làm Tể Tướng, cận thần của ta vì kẻ đó thông
minh tài trí nhất."
Ba người họ lui ra và bắt đầu suy nghĩ làm việc
theo cách riêng của họ. Ba ngày thôi quả là không đủ đâu vào đâu cả!
Nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu những phát minh thử nghiệm mới để sau ba
ngày sẽ trình lên Đức Vuạ Ai mà biết nhà Vua sẽ chọn thử nghiệm nào, vì
thế ông ta không tài nào ngủ được, và cũng nhất quyết không lãng phí
thời gian cho ngủ nghỉ. Nếu ông ta thắng, ông ta có cả một cuộc đời để
ngủ, tội gì mà ngủ lúc này? Ông ta không ngủ, không ăn vì nhiều việc
phải làm quá trước ngày thi đấu.
Vị triết gia nhà ta cũng thế; ông ta ngồi trầm
tư mặc tưởng đến nhiều vấn đề. Ông ta cũng không ăn, không ngủ, đi đi
lại lại, ngồi đứng không yên. Bao nhiêu vấn đề trên trời dưới đất gì gì
đều được bác triết gia nhà ta lôi ra mổ xẻ, nghiền ngẫm, phân tích hết.
Chỉ có nhà tôn giáo là an nhiên tự tại. Đến giờ
ăn, ông ta ăn uống thoải mái. Đến lúc ngủ, ông ta đánh một giấc an
lành. Khi cần cầu nguyện tụng kinh hay tham thiền, ông ta đều thực hành
cẩn mật, đàng hoàng, nghiêm túc. Ông ta thảnh thơi dạo chơi, ngắm hoa
lá, trời mây, và cám ơn trời đất đã ân sủng che chở cho ông; vì đối với
một người tôn giáo, không cần nghĩ tới tương lai và cũng chẳng có cuộc
thi cuối cùng. Từng giây phút hiện tại là cuộc thử thách, ta phải đối
diện nó, chứ không phải sửa soạn chờ đón thử thách ở tương lai.
Thấy như thế, nhà khoa học và vị triết gia lên
tiếng: "Này, người làm gì thế? Chỉ biết ăn, ngủ, cầu nguyện thôi sao?
Phí thì giờ vô ích, hãy lo tìm phương pháp giải quyết vấn đề đi chớ, sau
này có cầu nguyện bao lâu mà chẳng được."
Nhà tôn giáo chỉ cười, không trả lời; ông ta không phải là hạng người thích tranh cãi.
Ngày thứ ba chầm chậm trôi quạ Ngày thứ tư đến.
Ba thí sinh được mời đến trình diện. Nhưng nhà khoa học không còn đủ
sức đứng vững nữa. Ông ta mệt quá, hai mắt cứ díu lại, không mở ra nổi,
hai chân rã rời, bước không vững. Còn nhà triết học lỗi lạc kia thì mơ
mơ màng màng ở đâu đâu. Ông ta không mệt lắm nhưng đầu óc như lãng đãng
phiêu bồng chốn nào, không tập trung được. Cái đầu như mớ bòng bong, rối
tung mù mịt lên, câu hỏi này chồng lên câu hỏi kia, vấn đề kia chẳng
biết nguyên nhân kết quả ở đâu, thế nào. Đã mấy lần ông ta muốn tháo lui
vì cảm thấy không chắc ăn, bối rối hẳn lên, nhưng nhà khoa học khuyến
khích: "Ấy, ta cứ thử xem, có sao đâu; nếu thắng, càng tốt, còn lỡ bị
thua, cũng chẳng sao, nhưng dẹp bộ mặt đưa đám của đằng ấy đi chớ, cứ
mạnh dạn lên."
Duy chỉ có nhà tôn giáo là bước tới vui vẻ, thoải mái, an nhiên. Ông ta ca hát, tiến bước vững chãi trước nhà Vua.
Nhà Vua là một người túc trí đa mưu. Ông đã sắp
xếp một cuộc thi tài trí cho ba thí sinh. Vua sai người dẫn ba thí sinh
vào một căn phòng, khóa lại. Ổ khóa căn phòng đó là một cái ổ khóa số
đậc biệt, không có chìa - và người nào mở được cánh cửa thì thắng cuộc.
Nhà khoa học bắt đầu loay hoay tìm và viết ra
hàng trăm bài toán để mở khóa; ông triết gia thì nhắm mắt lại tư duy:
"Chà, vấn đề này hóc búa thật, chẳng phải chơi đâu, con số nào là con số
mở khóa đây," vv và vv...
Nhà tôn giáo thì tự nhiên như không. Ông ta
chẳng màng đến nhìn cái ổ khóa, cũng chẳng bóp đầu bức tóc suy tư gì cả.
Ông đâu phải nhà toán học nên chẳng biết toán mà làm, cũng không phải
là triết gia để tìm hiểu phân chia. Ông chỉ ngồi yên, cầu nguyện, hát
lên một bài vinh danh Thượng Đế và đứng lên đi.
Thời gian trôi qua. Một lát sau, nhà Vua bước vào phòng:
"Ô hay, hai người còn ở đây à? Người thứ ba đã đi ra ngoài từ lâu rồi."
"Nhưng sao hắn ta ra khỏi đây được? Cửa khóa mà... " Hai nhà toán học và triết gia ngạc nhiên, lắp bắp hỏi.
"Nhưng cửa đâu có khóa," nhà Vua tủm tỉm cười hóm hỉnh trả lời.
Nhà toán học vùng chạy ra túm lấy áo nhà tôn giáo gặn hỏi. Ông này từ tốn trả lời:
"Tôi chỉ ngồi yên và lắng lòng cầu nguyện. Chợt
tôi nghe một tiếng nói vang lên trong tôi: "Người đúng là một thằng
khờ. Hãy đi đi và sẽ thấy. Cửa không có khóa." Tôi đứng lên đi về phía
cửa và quả thực, cửa không có khóa."
Cuộc đời không phải là một bài toán đố. Nếu bạn
tìm cách để giải đáp bài toán thì bạn đã đánh mất cuộc đời rồi vậy.
Cánh cửa cuộc đời luôn mở rộng, không bao giờ khóa lại. Nếu cánh cửa bị
khóa chốt thì nhà khoa học đã tìm ra đáp số rồi. Nếu cánh cửa bị khóa
chốt thì những nhà triết học cũng lập ra hệ thống nào đó để mở cửa ra
rồi. Nhưng cánh cửa cuộc đời không hề bị gài chốt, vì thế chỉ có Niềm
Tin mới có thể đẩy cánh cửa ra mà thôi.
"Có anh em một nhà sư trụ trì một ngôi chùa
phía bắc nước Nhật. Nhà sư anh rất thông thái, nhưng nhà sư em thì lại
ngớ ngẩn, còn chột hết một mắt... "
Để hình thành một ngôi chùa, đền tháp, hay
thánh đường, v.v... người ta cần đến hai hạng người: một hạng thông thái
và một loại ngớ ngẩn. Hạng thông thái làm tu sĩ để dẫn dắt sai khiến
đám ngớ ngẩn đi theo họ. Nếu trên đời này không có đám người ngớ ngẩn
thì cần gì có tu sĩ, cần gì xây đền tháp, thánh đường? Và nếu hạng tu sĩ
thông thái kia biến mất đi thì sẽ không còn những tu viện nữa. Một tự
viện, đền tháp, chùa chiền hay thánh đường luôn cần có hai bộ mặt để tồn
tại. Vì thế, bạn không thể nào tìm thấy Phật hay Chúa nơi thánh đường
hay chùa tháp đâu, bởi vì Phật hay Chúa không bao giờ hiện hữu ở những
nơi có hai bộ mặt đối đãi.
Những ngôi tu viện, đền tháp hay thánh đường là
những phát minh của bọn người thông thái tạo ra để khuynh loát lừa bịp
những kẻ lù khù, ngớ ngẩn, dễ tin. Tu sĩ là những người khôn khéo tinh
ma nhất; họ tạo ra nhiều giáo điều, hệ thống tín ngưỡng, cấm kỵ để hù
dọa tín đồ; họ sử dụng những danh từ ngôn ngữ khó hiểu để loè những kẻ
ít học ngây thơ; họ đưa ra những chương trình dự án có vẻ như bảo vệ săn
sóc đời sống tâm linh con người nhưng thực ra là lợi dụng vơ vét tiền
bạc của tín đồ vào túi họ. Họ là những kẻ thống trị nguy hiểm nhất, và
những tín đồ tội nghiệp kia là bọn người bị sai sử lợi dụng; tuy nhiên,
với chiếc áo thầy tu, với hàng rào kinh điển, tín điều, bạn không thể
nào chạm đến chéo áo của mấy lão thầy tu này được đâu. Bạn khó lòng lật
tẩy họ được vì chính những tín đồ ngây thơ mù quáng lại là người bênh
vực bảo vệ mấy thầy tu nầy*. (nếu bạn là một thầy tu chân chính thì sợ
quái gì những lời châm chích này, phải không?)
Nên nhớ kỹ điều này: Đức Phật không bao giờ sử
dụng những ngôn từ khó hiểu. Ngôn ngữ Ngài dùng để thuyết pháp hóa độ là
ngôn ngữ Pàli (một ngôn ngữ bình dân của Ấn) để cho tất cả mọi tầng lớp
chúng sanh đều có thể hiểu được. Phật nói rất giản dị, trong sáng; đưa
ra những thí dụ dễ hiểu, dễ thâm nhập, thực tiễn trong đời sống hàng
ngày của con người. Ngài gạt bỏ những hình thức cầu kỳ, những ngôn từ
lập dị, những phương thức rườm rà, để mọi người trở về với bản thể chân
tâm, với vũ trụ hàm linh thật mau chóng, xác thực và đúng đắn. Chúa Giê
Su cũng vậy, Ngài cũng dùng những hình ảnh ví dụ đơn giản, dễ hiểu. Chúa
không bao giờ dùng bất cứ một biệt ngữ tôn giáo nào. Mahavira, một đạo
sư của Ấn, khi giảng pháp cho tín đồ, cũng nói bằng ngôn ngữ bình dân,
thông thường.
Đức Phật và Mahavira không bao giờ sử dụng ngôn
ngữ Sanskrist, vì Sanskrist là ngôn ngữ của giáo sĩ Bà la môn.
Sanskrist là ngôn ngữ khó hiểu nhất, cổ xưa nhất của Ấn. Nghĩa chính của
Sanskrist là "đánh bóng lại, trau chuốt lại". Bọn giáo sĩ đã cố ý sử
dụng ngôn ngữ khó hiểu, cầu kỳ đó để loè những kẻ ít học; vì nếu bạn
không hiểu thì bạn mới thán phục những người thông thái, hiểu biết hơn
bạn chứ! Một khi bạn không hiểu, bạn sẽ cho là những ý nghĩ, những vấn
đề các giáo sĩ đưa ra sâu xa, mầu nhiệm, linh thiêng, người thường không
tài nào thấu triệt được - và từ sự thán phục đó, bạn dễ dàng thần tượng
hóa và thần thánh hóa những "tu sĩ thông thái bác học" đó. Trái lại,
Đức Phật, một Đại Đạo Sư của trời người, một đấng giáo chủ của một tôn
giáo rộng lớn khắp thế giới, một Đại Thánh Nhân, lại sử dụng ngôn ngữ
bình dân của Ấn (ngôn ngữ Pàli). Và Mahavira, một đạo sư nổi tiếng của
Ấn, thì dùng ngôn ngữ Prakrit, một hình thức ngôn ngữ còn phôi thai của
Sanskrit, không có văn phạm rắc rối, không có từ vựng nhiều.
Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện vui:
"Ngày kia, Mulla Nasruđin đi khám bịnh. Ông Bác
Sĩ viết toa thuốc bằng tiếng La Tinh và Hy Lạp. Ông ta viết tháu đến độ
Mulla đọc không được một chữ nào cả (Bác Sĩ nào cũng vậy!)
Mulla hỏi Bác Sĩ:
"Này Bác Sĩ, thôi thẳng thắn với nhau đi. Ông
cứ nói bệnh của tôi, đừng viết chữ La Tinh hay Hy Lạp gì cả, đọc chẳng
được một chữ nào."
"Nếu ông khăng khăng muốn biết, thì tôi nói cho
ông rõ là ông chẳng có bịnh gì cả; ông chỉ có bịnh lười mà thôi" bác sĩ
điềm nhiên trả lời.
Mulla nói:
"Được rồi, cám ơn. Thôi, bây giờ ông viết toa
thuốc lại bằng tiếng La Tinh hay Hy Lạp gì gì cũng được, để tôi đưa cho
gia đình tôi xem."
Qua câu chuyện vui trên, ta thấy những bọn
thông thái luôn tìm cách lừa phỉnh mọi người. Đó cũng là lý do bọn này
phản bội, quay lưng làm ngơ hay chống trái lại Đức Phật, Chúa hay
Mahavirạ Nếu bọn giáo sĩ này cũng dùng những phương pháp giảng dạy dễ
hiểu, bình dị và sống trung thực chân chánh như các Thánh Nhân thì họ
đâu còn chỗ đứng nữa. Họ đâu còn được người khác tôn sùng ve vuốt nữa?
Bọn giáo sĩ tự cho mình là người có đủ khả năng hiểu được ngôn ngữ của
Thượng Đế; mình là người duy nhất làm gạch nối giữa con người và Thượng
Đế. "Này, anh muốn gì? Muốn cầu xin hay than thở với Thượng Đế hả? Có ta
đây, ta sẽ nói tiếng Sanskrist với Ngài, ta sẽ phúc trình lên Thượng Đế
những gì anh mong muốn, và anh phải "biết điều" đấy nhé. Chỉ có mình ta
giúp anh được thôi; chỉ có mình ta nói tiếng Sanskrist; Thượng Đế chỉ
hiểu Sanskrist mà thôi!" (và lẽ dĩ nhiên, "biết điều" có nghĩa là phải
trả tiền đấy, nhiều hay ít tùy theo lời cầu xin của bạn dài hay ngắn nữa
đấy.)
"Có hai anh em nhà sư nọ trụ trì một ngôi chùa ở
phía bắc Nhật Bản. Nhà sư anh rất thông thái, còn nhà sư em thì lại ngớ
ngẩn lù khù còn chột một mắt nữa... "
Cái hình ảnh "một mắt" trong câu truyện biểu
trưng cho cái gì nhỉ? Có phải chăng là những kẻ dễ tin, ngây thơ thì
luôn luôn chỉ có một hướng, một bộ mặt mà thôi. Họ không bao giờ do dự,
đắn đo, suy tư, thắc mắc hay nghi kỵ. Đối với bất cứ một vấn đề gì,
những kẻ tài trí thông minh luôn luôn chia chẽ, phân tích, mổ xẻ nghiên
cứu. Trong thâm tâm những hạng người nầy, luôn luôn có sự dằng co, mâu
thuẫn, xâu xé nhau. Cái nào sai? Cái nào phải? Cái nào có lợi, cái nào
không?
Những kẻ thông thái có học là những kẻ có hai
bộ mặt - hai mắt. Và khi ta nhìn kỹ những kẻ ngây thơ lù khù kia, ta lại
thấy họ thánh thiện, trong sáng hơn bọn bác học thông thái nhiều. Cái
nét trong sáng, giản dị, hồn nhiên đó toát ra từ tấm lòng chân thật
thẳng thắn không đắn đo nghi kỵ. Còn hạng tài trí lịch lãm kia thì đã
mất sự thánh thiện đó tự lâu rồi.
Họ là người đứng giữa trí tuệ và vô minh. Họ
tưởng là họ tài trí hơn người, song thực ra, họ lại là những kẻ ngu xuẩn
và thua thiệt nhiều nhất. Vì thế, đầu óc bọn thông thái bác học luôn bị
căng thẳng, không bao giờ được thư giãn an lạc.
Thánh Francis ngày xưa thường bị chế diễu là
một thằng khờ, "một tên khờ của Chúa". Song, nếu được là thằng khờ của
Chúa còn diễm phúc hơn là cái tiếng bác học của thế nhân. Vì sao? Vì cái
"Ngã" kệch cỡm, cái "Ngã" ích kỷ, đáng ghét của Francis không còn nữa,
và Thánh Francis được phong Thánh vì đã diệt trừ được cái " tôi" hợm
hĩnh đó.
"Tên Khờ của Chúa!" Nếu bạn đã đọc những tác
phẩm văn học lớn của Dostoevsky, bạn sẽ hiểu hàm nghĩa của các chữ "Tên
Khờ của Chúa". Hầu hết trong các tác phẩm Dostoevsky đều có một nhân vật
mang dáng dấp một "thằng khờ của Chúa". Trong tác phẩm "Những Anh Em
Nhà Karamazov", tên khờ của Chúa có mặt. Tên khờ đó rất ngây thơ, bạn có
thể khuynh loát lừa bịp hắn. Ngay cả khi bạn lừa bịp hắn, hắn vẫn tin
bạn như thường. Tuy nhiên, bạn phải nhớ kỹ điều này: "Bạn có thể hủy
diệt con người hắn nhưng bạn không thể hủy diệt Niềm Tin của hắn - đó
chính là Nét Đẹp Tuyệt Đối Nhân Bản."
Riêng bạn, bạn sẽ phản ứng ra sao khi có kẻ lừa
bịp bạn? Nếu bạn bị kẻ nào đó lừa dối một lần, bạn có thể đâm ra nghi
ngờ tất cả mọi người. Cũng như con chim bị tên bắn một lần, nó sợ cả
giây cung và bụi rậm. Nếu bạn bị lừa dối hai lần, ba lần, bạn sẽ hoàn
toàn tuyệt vọng, mất hẳn niềm tin vào nhân loại.
"Một ngày kia, có một du tăng đi ngang qua chùa, muốn xin vào ngủ trọ. Nhà sư anh quá mệt do học hành...
Những người thông thái luôn luôn mệt mỏi bởi
chữ nghĩa. Những người lao động cũng mệt vì công việc nặng nhọc nhưng
xong việc rồi, họ cảm thấy thoải mái, khoẻ khoắn hơn - còn một khi bạn
làm việc với chữ nghĩa - những thứ chữ nghĩa rỗng tuếch - bạn sẽ luôn
cảm thấy mệt mỏi. Dòng sống luôn chảy về phía trước, dòng sống luôn linh
động, tươi trẻ, tràn đầy sinh lực. Nếu bạn làm việc trong vườn, tiếp
xúc với cỏ cây hoa lá, bạn sẽ đón nhận thêm luồng sinh lực mới, bạn
không mất gì cả. Bạn đi tản bộ dọc theo con đường xanh mát, bạn hấp thụ
thêm tinh khí trời đất, bạn đang sống từng phút giây; nhưng nếu bạn đóng
cửa phòng, gầm đầu vào chữ nghĩa, suy nghĩ và suy nghĩ; dòng sống đã
ngưng chảy, đã chết, và bạn chẳng còn gì ngoài sự lao nhọc tinh thần.
Một người thông thái luôn mệt mỏi. Một tên khờ luôn tươi trẻ, một thánh
nhân cũng luôn tươi trẻ. Tên khờ và vị thánh nhân thật có nhiều đặc tánh
giống nhau.
"Nhà sư anh nói với sư đệ hãy ra ngoài tranh luận với vị sư khách, nhưng dặn dò sư đệ là phải tranh luận trong im lặng... "
Vì sao? Vì sư huynh biết chắc rằng sư đệ mình
là người ít học, không biết nói gì, vì thế phải tranh luận bằng cử chỉ
trong im lặng để không ai có thể đoán biết được ý nghĩ. Đo dó, im lặng
là vàng; nếu bạn là một kẻ ngốc, nên im lặng - nhưng nếu bạn là bậc
Thánh, bạn cũng nên im lặng luôn.
Một người "Trí Tuệ" sẽ im lặng vì hắn ta biết
rằng sẽ không thể diễn tả sự hiểu biết bằng ngôn ngữ. Kẻ ngu cũng im
lặng vì nếu lỡ nói ra điều gì sẽ bị chê cười ngaỵ Kẻ ngu có thể lừa bịp
mọi người bằng cách im lặng, nhưng nếu hắn há miệng ra thì sẽ bị lật tẩy
ngaỵ Nhà sư Anh biết sư đệ mình ngớ ngẩn nên đã dặn phải đòi tranh luận
trong im lặng để không bị người khác biết cái tẩy ngu dốt của mình. Do
đó, vị du tăng thông thái kia đã bị đánh bại phải đi nơi khác vì đã lọt
vào cái bẫy của nhà sư Anh.
Những người thông thái bác học đều mắc phải cái
bịnh hay nói - nói rất nhiều để phô trương cái giỏi cái hay của mình;
cho nên khi không được nói; họ không biết xoay sở thế nào? Đột nhiên,
tất cả những năng kỹ sở trường đó của họ biến mất. Trong im lặng, họ trở
thành những con cừu, con dê ngớ ngẩn, ngờ nghệch; ngớ ngẩn hơn cả những
kẻ ngu thực sự. Ngay cả kẻ ngốc cũng có thể đánh bại họ. Họ đã bị tách
ra khỏi cái thế giới chuyên môn của mình nên đâm ra lúng túng, khó xử.
Thực tế, thật khó khăn cho một người học thức phải giữ im lặng, không
được nói gì cả. Vị du tăng kia cũng vậy, ông ta phải đi tìm chỗ trọ
khác, phải tìm một nhà sư chịu tranh luận qua ngôn ngữ, qua học thức.
Những động tác, cử chỉ của chúng ta rất sống
động. Khi chúng ta đưa tay lên hay ngó ngoáy cái đầu, cả con người chúng
ta cử động theo đó. Khi chúng ta nhìn một người hay một vật nào, cả con
người chúng ta chú mục đến đối tượng đó. Khi chúng ta bước đi, chúng ta
bước đi với cả thân người chứ không phải chỉ có đôi chân di động. Nhưng
đầu óc thì khác, nó có thể hoạt động liên tục khi chúng ta ngồi yên hay
nằm ngủ. Vì thế, nếu chúng ta muốn tìm hiểu một người nào, đừng nghe
những gì hắn nói mà hãy nhìn kỹ những hành động của hắn: cách hắn ta vào
phòng thế nào, đóng cửa thế nào, ngồi ra sao, đi đứng, ăn uống, nhìn
ngó, v.v thế nào. Có nghĩa là chúng ta hãy quan sát mọi hành động của
hắn. Những cử chỉ của hắn sẽ nói rõ cho chúng ta biết bản chất của hắn,
tư cách của hắn. Qua đó, chúng ta biết rõ sự thật con người của hắn
không bị tô mầu hay phủ lên lớp vỏ tri thức nào.
Tôi đã thử nhiều người qua phương thức đó. Tôi
nhìn hành động của họ chứ không quan tâm đến những lời họ nói. Những
người đó có thể cúi đầu xuống chạm chân tôi để tỏ lòng kính ngưỡng,
nhưng cả con người họ toát ra cái mùi Bản Ngã to lớn đậm nét vô cùng, vì
thế cái cử chỉ cúi đầu chạm trán đó rõ thật vô dụng, giả trá. Những con
người đó cố dấu cái bản ngã của họ nhưng rõ ràng họ đang tự lừa dối
mình, lừa dối người. Họ không có sự thành thật nên không làm rung cảm
được ai cả.
Soren Kierkegaard từng nói: "Trước kia, khi tôi
bước vào nhà thờ, tôi hay nói lắm. Tôi luôn nói chuyện với người này,
hay than thở cầu xin việc nọ việc kia. Nhưng rồi, tôi cảm thấy thật khờ
khạo làm sao khi cứ lê thê dài dòng than vắn thở dài nói đủ thứ chuyện
trên trời dưới đất với Thượng Đế. Con người có cố tật là thích nói nhiều
về mình hơn là lắng nghe người khác nói, cho nên khi đến với Chúa, với
Thượng Đế, con người cũng đem cái tật xấu đó ra mà kể lể, hắn không cho
Chúa có một cơ hội nói chuyện với hắn; cho nên khi có dịp ta đứng trước
Chúa, tốt hơn hết là ta nên lắng nghe Chúa nói."
Và Kierkegaard không kể lể nữa, rồi dần dần ông
ta không cầu nguyện nữa. Ông ta chỉ vào thánh đường, ngồi yên lặng,
ngồi thật yên lặng; nhưng trong sự Tuyệt Đối Im Lặng kia, Tiếng Nói Nội
Tâm bắt đầu lên tiếng.
Khi bạn thực sự quay về lắng nghe "Tiếng Nói
Nội Tâm", bạn sẽ đi vào một thế giới hoàn toàn khác lạ cái thế giới mà
bạn đang sống.
Kierkegaard không còn đi nhà thờ nữa. Có người
đã hỏi: "Sao ông không đi lễ nữa vậy?" Kierkegaard đã trả lời: "Bây giờ
tôi đã hiểu nhà thờ là gì; nó có nghĩa là Im Lặng và Lắng Nghẹ Và khi
tôi đã làm được hai việc đó rồi, nhà thờ đối với tôi không còn cần thiết
nữa. Tôi có thể im lặng và lắng nghe bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.
Những nơi cầu nguyện luôn đông người quá, họ đến để phô trương bề ngoài,
đến để tán dóc, gặp gỡ nhau hơn là cầu nguyện. Họ làm phiền, quấy rầy
tôi quá. Vì thế, tốt hơn hết là hãy ngồi dưới gốc cây, dưới bầu trời,
độc thoại và lắng nghe."
Thượng Đế có mặt khắp mọi nơi, không phải chỉ ở
tại thánh đường hay đền thờ. Một khi tâm hồn chúng ta an tĩnh, không
lăng xăng vọng động thì Thượng Đế và chúng ta đã gặp nhau rồi vậy; không
cần phải đến nhà thờ thấy tượng Chúa hay vào chùa thấy tượng Phật mới
là gặp Phật, gặp Chúa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thấu
triệt được điều đó; cái "Tự Ngã" rườm rà đã che dần đi nét hồn nhiên
thánh thiện của tâm hồn chúng tạ Để rồi từ đó, chúng ta luôn suy diễn
hành động lời nói người khác qua sự ức đoán của mình; nếu lệch lạc sai
lầm ít thì dẫn đến nghi kỵ, mất đoàn kết, không hòa hợp; nếu sai lệch
nhiều thì đưa đến xung đột va chạm nhau từ người và người rồi đến đoàn
thể, xã hội, quốc gia; cũng như vị du tăng và nhà sư chột mắt đã suy
diễn cử chỉ của đối phương qua trình độ tư duy và óc tưởng tượng của
mình. Vị du tăng đưa một ngón tay lên có ý nói tượng trưng cho Đức Phật,
nhưng nhà sư chột mắt lại nghĩ là người kia đang chế diễu sự khuyết tật
của mình. Ông ta đưa hai ngón tay lên tỏ vẻ lịch sự khen vị du tăng còn
đủ hai mắt, nhưng vị du tăng với trình độ Phật pháp cao lại cho là hai
ngón tay tượng trưng cho Đức Phật và Phật pháp... và cứ thế mà hai người
suy đoán qua lại.
Khi ta nhìn một đóa hoa, tại sao ta không nhìn
trực diện vào đóa hoa để thấy nụ hoa, sắc hoa, mà ta lại lan man suy
diễn "Ồ, đóa hoa này đẹp như một người con gái xuân trinh", hay nhìn
trăng tròn, ta lại tưởng tượng thấy giống như gương mặt sáng rỡ của
người yêu... Đóa hoa là đóa hoa. Mặt trăng là mặt trăng. Ngón tay là
ngón taỵ Đóa hoa không phải là người đẹp. Mặt trăng không tình như người
yêu, và ngón tay không phải là Đức Phật.
Không có ai tượng trưng cho ai và cũng không có
vật gì tượng trưng cho một người nào đó. Mỗi người là hình ảnh của
chính mình. Không có ai là bản sao của ai cả. Khi bạn nói ngón tay tượng
trưng cho Đức Phật thì Phật là bản chính, còn ngón tay là bản sao của
Phật rồi. Đức Phật không chấp nhận cái hiểu sai lệch đó và tôi, tôi cũng
không đồng ý tư kiến đó của bạn.
Để tôi kể cho bạn nghe một câu truyện: "Ngày
kia, có một người đàn ông tìm tới Bayazid, một đạo sĩ Sifi và hỏi ông ta
một câu hỏi. Bayazid trả lời: "Hãy về đi và một năm sau ông hãy trở
lại, bởi vì lúc này đây, ông đang bị bịnh. Tâm hồn ông, đầu óc ông như
là một mớ bòng bong rối mù lên và tôi không thể trình bày diễn giải gì
cho ông nghe được cả. Ông sẽ không lãnh hội gì đâu với đầu óc hổ lốn như
vậy. Vì thế, hãy về đi và tập ngồi yên lặng, tĩnh tâm, thư thái. Một
năm sau, hãy trở lại tìm tôi; lúc đó nếu tôi thấy ông có thể nghe tôi
nói, tôi sẽ nói - nếu không, ông hãy đi tìm người khác."
Người đàn ông đó nghe lời, ra về và tập thực
hành theo lời dạy của Bayazid - nhưng rồi, anh ta cũng không trở lại tìm
Bayazid nữa.
Có người thắc mắc nên hỏi: "Sao anh không tìm
Bayazid? Anh ta trả lời: "Bây giờ tôi không cần tìm hỏi Bayazid nữa; tôi
đã hiểu những gì Bayazid nói."
Đó là một nghịch lý, phải không? Chúng ta phải
nhận thức rõ ràng rằng khi nội tâm chúng ta chưa vững vàng thì dù chúng
ta có chạy rong cố tìm kiếm hay cầu xin, van lạy thì chúng ta cũng không
thấu triệt được gì; nhưng một khi chúng ta đã vững chắc sẵn sàng, nội
tâm đã an tĩnh thì dù chúng ta không hỏi, không cầu thì câu trả lời đã
an bày sẵn rồi vậy.
Buồn thay! Hầu hết chúng ta đều không có khả
năng sống trong hiện tại. Chỉ có chư Phật mới có khả năng sống trong
hiện tại và an trú trong chánh niệm. Không có một ai hay rất ít, rất ít
người có khả năng đó. Chúng ta hay quay về truy tìm quá khứ, mở rộng
tương lai và bỏ quên hiện tại. Vì thế, chúng ta đã đánh mất mình mà
không hay không biết.
... "Hắn đưa 3 ngón tay lên có ý nói là đệ và
hắn, hai người có 3 mắt. Lúc này đệ bực quá, không lịch sự nổi nữa nên
giơ nắm đấm lên đe dọa "nè, nếu lộn xộn nữa thì ta sẽ đấm vỡ mặt đó."
Hắn sợ quá, bỏ đi luôn."
"Nhà sư Anh phá lên cười."
Cái cười của nhà sư Anh có thể là nụ cười giác ngộ. Cái cười đó có thể là sự chuyển hóa, là một sự thức tỉnh sâu xa mầu nhiệm.
Nhà sư Anh đã thấy cả hai phía rằng vị du tăng
đó không hề có ý nghĩ gì đối với sư đệ mình, và sư đệ dốt đặc cán mai
của mình cũng không tài nào hiểu nổi những gì sư du tăng kia ngụ ý. Cả
hai người là hai con đường ngược chiều, mỗi kẻ một hướng. Họ không bao
giờ gặp nhau cả. Nhà sư Anh cười vì đã thấy rõ tâm thức con người hoạt
động mạnh mẽ cỡ nào, nó có thể lèo lái con người hướng thượng hay hướng
hạ, có thể thành bậc Thánh, vĩ nhân hay thành một tên cùng đinh hèn hạ,
một tên đạo đức giả, đội lốt; có thể sống đúng đắn hay trái phạm đều do
nó cả.
"Tâm là chủ.
Tất cả đều do Tâm tạo.
" Nhà sư Anh cười. Nụ cười giác ngộ, nụ cười trọn vẹn.
Giây thừng đứt,
thùng nước rơi.
Không còn nước trong thùng.
Không còn trăng trong nước.
"Tay ta rỗng không, chẳng có vật gì.
Tâm ta rỗng không, chẳng có vật gì."